Khắc phục biểu hiện áp đặt chủ quan duy ý chí, quan liêu, xa rời thực tiễn

Vi Hoa thực hiện 30/09/2011 15:33

Lấy ý kiến nhân dân trong việc ban hành các văn bản QPPL là một công việc quan trọng nhằm nâng cao chất lượng các quyết định và góp phần xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Trong thời gian qua, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành rất nhiều nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực kinh tế và được Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Theo đánh giá của TRƯỞNG BAN (TB) KINH TẾ - NGÂN SÁCH, HĐND TỈNH VĨNH PHÚC KHƯƠNG TRUNG BẰNG, các nghị quyết này đã được nhân dân các địa phương đóng góp ý kiến khá sôi nổi, sâu sắc và hữu ích. Khi nghị quyết ban hành, đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đã và đang đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân phục vụ nhiệm vụ phát triển KT- XH của tỉnh.

Khắc phục biểu hiện áp đặt chủ quan duy ý chí, quan liêu, xa rời thực tiễn ảnh 1- Với vai trò là cơ quan tham mưu, xin Ông cho biết vai trò của Ban Kinh tế- Ngân sách trong việc tổ chức lấy ý kiến  đóng góp của nhân dân để xây dựng nghị quyết ?

TB Khương Trung Bằng: Trong nhiệm kỳ vừa qua, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 114 nghị quyết chuyên đề, trong đó có 63 nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế- ngân sách. Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy, việc lấy ý kiến nhân dân tham gia đóng góp là rất cần thiết nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nghị quyết sát với thực tiễn, có tính khả thi, bảo đảm có hiệu quả kinh tế, tạo được sự đồng thuận ủng hộ cao của nhân dân.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, vừa qua việc lấy ý kiến nhân dân chủ yếu là thông qua công tác tiếp xúc cử tri, các cuộc làm việc tiếp xúc với nhân dân nơi sở tại, các cuộc giám sát… để lấy ý kiến. Để nghe được dân nói, tránh mọi biểu hiện hình thức khi lấy ý kiến nhân dân, chúng tôi xác định phải làm tốt công tác chuẩn bị như: mời các đối tượng có liên quan đại diện cho tầng lớp dân cư ở địa bàn có liên quan, hạn chế tiếp xúc chủ yếu là lãnh đạo, quá trình lấy ý kiến gợi mở những vấn đề để nhân dân có thể tham gia đóng góp được có thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi trực tiếp thực hiện đa dạng hóa hình thức lấy ý kiến… Tiếp theo, phải tổng hợp được đầy đủ ý kiến của nhân dân, kể cả những ý kiến không đồng thuận để chuyển tải đến HĐND, những kiến nghị của dân được chấp thuận hay không được vẫn phải trả lời, giải thích để dân rõ. Tránh lấy ý kiến rồi không có sự phản hồi lại với dân, làm tốt điều này mới khuyến khích nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến… Những ý kiến hợp lý chính đáng của dân phải được đưa ra để HĐND xem xét, quyết định. Có như vậy việc lấy ý kiến mới đem lại hiệu quả thiết thực.

- Xin Ông cho biết cụ thể những nghị quyết chuyên đề được Ban đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong thời gian gần đây ?

TB Khương Trung Bằng: Các nghị quyết chuyên đề phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian qua, để tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, Ban Kinh tế- Ngân sách đã tiến hành các cuộc làm việc trao đổi lấy ý kiến nhân dân, cụ thể một số nghị quyết như: Nghị quyết số 12/2010/NQ- HĐND về hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2010-2015; Nghị quyết số 33/2010/NQ- HĐND về việc cấp bù kinh phí miễn thủy lợi phí và hỗ trợ dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 02/2011/NQ- HĐND về hỗ trợ phát triển giao thông nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 14/2011/NQ- HĐND về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015.

Các nghị quyết này đã được nhân dân các địa phương đóng góp ý kiến khá sôi nổi. Khi nghị quyết ban hành, đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đã và đang đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân phục vụ nhiệm vụ phát triển KT- XH của tỉnh.

 - Có thể khẳng định việc lấy ý kiến nhân dân trong việc ban hành các văn bản QPPL tại Vĩnh Phúc đã có những hiệu quả nhất định, tuy nhiên vẫn đặt ra không ít những thách thức mới, thưa Ông ?

TB Khương Trung Bằng: Từ thực tiễn trao đổi lấy ý kiến nhân dân trong việc ban hành nghị quyết chuyên đề các văn bản QPPL cho thấy, người dân chưa đủ tầm tham gia đóng góp vào những định hướng, chủ trương chính sách lớn của tỉnh về phát triển KT-XH, chủ yếu họ tập trung vào những vấn đề cụ thể như những kiến nghị từ thực tế trên địa bàn họ sinh sống, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội của họ. Tiếp theo là đối tượng xin ý kiến chưa rộng rãi, chưa được nhiều, đa phần vẫn là lực lượng cán bộ lãnh đạo địa phương từ thôn xóm trở lên, nhân dân lao động tham gia chưa được nhiều. Công tác tuyên tuyền để nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia đóng góp vào chủ trương chính sách của Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức cho công tác này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, ví dụ như chế tài phải thực hiện về việc lấy ý kiến nhân dân, vì vậy kết quả cũng như hiệu quả thực hiện còn ở chừng mực nhất định.

Ngoài ra, người chủ trì trong việc lấy ý kiến của nhân dân phải là người am hiểu, nắm vững các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, thực tiễn ở địa phương, từ đó phải gợi mở được những vấn đề để người dân có thể tham gia, đóng góp ý kiến được.

- Theo Ông, để khắc phục hạn chế đó, thời gian tới nên có giải pháp gì?

TB Khương Trung Bằng: Theo tôi, trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, coi việc tham gia, đóng góp ý kiến vào các chủ trương chính sách của Nhà nước là quyền lợi, đồng thời là trách nhiệm của công dân, đó cũng là thực hiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Thứ hai, Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn về việc lấy ý kiến nhân dân trên các lĩnh vực nói chung và nói riêng trong việc ban hành các văn bản QPPL ở địa phương. Để từ đó, các cấp, các ngành, các địa phương có cơ sở để triển khai thực hiện, tránh mọi biểu hiện hình thức. Thứ ba, cơ quan chủ trì lấy ý kiến nhân dân phải làm tốt công tác chuẩn bị, từ khâu kế hoạch lấy ý kiến đến đối tượng, địa bàn lấy ý kiến, thời gian, hình thức lấy ý kiến… phân công giao nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện.

- Ý kiến của riêng Ông về vai trò việc lấy ý kiến nhân dân, tham vấn ý kiến nhân dân trước khi ban hành nghị quyết ?

TB Khương Trung Bằng: Theo tôi đây là việc làm cần thiết, làm tốt việc này vừa bảo đảm phát huy quyền làm chủ của dân, vừa góp phần để nghị quyết HĐND khi ban hành bảo đảm sát thực tiễn, tính khả thi cao, có hiệu quả, khắc phục những biểu hiện áp đặt chủ quan duy ý chí hoặc quan liêu, xa rời thực tiễn… Nghị quyết của HĐND chỉ khi tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân thì mới nhanh đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng trong đời sống KT-XH ở địa phương.

- Xin cám ơn Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khắc phục biểu hiện áp đặt chủ quan duy ý chí, quan liêu, xa rời thực tiễn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO