Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Khắc phục "bệnh" hình thức và thành tích

- Thứ Tư, 18/08/2021, 05:19 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại phiên họp sáng qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ để có định hướng sửa đổi, bảo đảm dự thảo Luật thực sự có chất lượng, có sức sống lâu dài, đáp ứng thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là phải khắc phục cho được bệnh hình thức, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng.

Ảnh: Lâm Hiển


Xem xét kỹ điều kiện, tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng

Sửa Luật lần này cần khắc phục cho được bệnh hình thức, bệnh thành tích. Bệnh thành tích tức là “chạy” danh hiệu thi đua - làm sao để khắc phục chuyện "chạy" này? Điều nào là điều cấm? Cần công khai, minh bạch việc này để không "chạy" được, rồi đi xin, đi cho. Chúng ta khắc phục được nhiều, nhưng xin - cho huân chương và thành tích thì thôi không còn gì là động lực nữa.

Trong dự thảo Luật, tôi thấy có nhiều ý kiến đề cập nhưng chưa khắc phục, chưa tập trung sửa, đó là vấn đề nặng về tích lũy và gối đầu. Muốn đạt danh hiệu thi đua, khen thưởng cao hơn thì trước đó phải đạt danh hiệu thi đua thấp hơn - ngược với mục tiêu hướng về cơ sở trong thi đua, khen thưởng. Cho nên, những danh hiệu bậc cao toàn cán bộ, lãnh đạo quản lý là nhiều, còn người lao động làm gì có cơ hội để tích lũy và gối đầu này, nên không đạt được mục tiêu hướng về cơ sở, hướng về người lao động trực tiếp. Chúng ta phải khắc phục cho được việc này. 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật đã bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật theo tinh thần Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 7.4.2014 của Bộ Chính trị, Thông báo số 120-TB/TW ngày 18.1.2013 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới công tác thi đua khen thưởng và Thông báo kết luận của Ban Bí thư tại văn bản số 3257/CV-VPTW ngày 7.2.2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào 4 chính sách lớn là: Hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua khen thưởng.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, để dự thảo Luật sau khi được ban hành sẽ tạo những bước chuyển căn bản trong công tác thi đua, khen thưởng thì dự thảo Luật cần khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, trong đó có "bệnh thành tích". Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, mục tiêu của thi đua, khen thưởng là tạo động lực để động viên mọi cá nhân, tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc dự thảo Luật quy định điều kiện để khen thưởng là cá nhân, tập thể có sáng kiến, cách làm hay thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ không phải yếu tố quyết định.

Thực tế cho thấy, việc có sáng kiến và tham gia đề tài khoa học không phải là yếu tố quyết định để đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao của một cá nhân hay tập thể. Do đó, lấy yếu tố này để làm tiêu chuẩn xét thi đua, khen thưởng là không hợp lý. Thực tiễn thời gian qua có rất nhiều cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhưng không có sáng kiến, không có tham gia đề tài khoa học nên không được xét khen thưởng, do đó, không phản ánh đúng đóng góp của các tập thể và cá nhân trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Dẫn ra ví dụ khá phổ biến này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần có tổng kết và đánh giá kỹ hơn, nhất là chất lượng của những sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học như một trong các điều kiện, tiêu chuẩn để xét thi đua, khen thưởng.

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để khắc phục cho được bệnh hình thức, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng.

Bảo đảm tính bao quát, toàn diện

Một trong những hạn chế của quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng là chưa quy định thẩm quyền và hình thức khen thưởng cho các đại biểu dân cử. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang "đứng ngoài" Luật Thi đua, khen thưởng. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, báo cáo tổng kết 17 năm thi hành Luật có nêu vướng mắc, khó khăn trong việc khen thưởng cho đại biểu Quốc hội, nhưng Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật không nêu được phương án để xử lý vấn đề này một cách rốt ráo.

Thực tế, về mặt hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước, các cơ quan của Quốc hội được xếp ngang với Văn phòng Quốc hội, tức tương đương với cấp Bộ. Tuy nhiên, khoản 5, Điều 3 dự thảo Luật giải thích từ ngữ “Bộ, ban, ngành, tỉnh là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng và tương đương ở Trung ương, Kiểm toán Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Như vậy, "phía Quốc hội chỉ có Văn phòng Quốc hội mà không có các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu vấn đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, bổ sung "các cơ quan thuộc Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội" vào khoản 5, Điều 3 dự thảo Luật để các cơ quan này cũng thành lập Hội đồng Thi đua, khen thưởng; phát động phong trào thi đua, khen thưởng như các cơ quan tương đương cấp Bộ khác. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần bổ sung hình thức khen thưởng không chỉ cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà cả cho đại biểu hoạt động không chuyên trách tham gia tích cực và có nhiều đóng góp cho hoạt động của cơ quan dân cử.

Với tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng cho đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu có hình thức khen thưởng phù hợp với đặc thù hoạt động của đại biểu dân cử vì các đại biểu hoạt động theo nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, cũng cần có hình thức khen thưởng đột xuất gắn với kết quả hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật cần bảo đảm tính bao quát, không để "khoảng trống" trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, bảo đảm bình đẳng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Và, cần khắc phục "hành chính hóa" công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc có chức năng giám sát, phản biện xã hội, phản biện hoạt động của Chính phủ, nhưng lại nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ thì có phù hợp không? Dẫn ra ví dụ này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu để quy định hình thức khen thưởng phù hợp với đặc thù của các cơ quan này.

Nhật An