Khắc phục "bệnh" đổ lỗi

- Thứ Bảy, 17/07/2021, 06:04 - Chia sẻ
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, cả nước giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 563 đơn vị hành chính cấp xã... Theo Bộ Nội vụ, kết quả này chưa đạt như mong muốn bởi một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa quyết tâm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tiến độ thực hiện còn chậm so với lộ trình đề ra...

Bộ Nội Vụ đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211 (ngày 25.5.2016) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, do Bộ Nội vụ chuẩn bị để lấy ý kiến Nhân dân. Theo đó, một trong những đề xuất  tại Dự thảo là tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thí điểm một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 hướng đến 2030.

Cụ thể, liên quan đến thí điểm một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính, đặc biệt là các đơn vị hành chính đô thị và các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù về an ninh, quốc phòng, miền núi, vùng cao; điều chỉnh tiêu chuẩn quy mô dân số của tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao theo hướng các đơn vị hành chính này có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định để phù hợp với đặc thù của đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít...

Bộ Nội vụ cho biết, trong 5 năm (2016 - 2021), thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đặc biệt là sau hơn 2 năm (2019 - 2021) thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, đến nay đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính so với các nhiệm kỳ trước; giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 563 đơn vị hành chính cấp xã so với năm 2016. Điều đáng mừng, các đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị, đã triển khai được mô hình “thành phố trong thành phố” như thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh...

Tuy nhiên, một số địa phương chưa quyết tâm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tiến độ thực hiện còn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp chưa đạt yêu cầu đề ra, nếu không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên không thực hiện sắp xếp thì các địa phương chỉ tiến hành sắp xếp được 9/15 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định...

Lý giải tình trạng chậm trễ nêu trên, hầu hết địa phương đưa ra lý do: “do các yếu tố đặc thù nên không thể sắp xếp thêm đơn vị hành chính cùng cấp khác liền kề”. Trước lý giải trên, nhiều ý kiến cho rằng, có phải là nguyên nhân chính, hay chính là sự thiếu quyết tâm, quyết liệt của chính quyền các địa phương, đặc biệt là vai trò người đứng đầu?

Thực tế, cách đây hơn 10 năm, khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, không ít ý kiến cho rằng điều này là không thực tiễn do đặc thù địa lý, văn hóa, con người ở hai địa phương có sự khác nhau, chênh lệch lớn. Vậy nhưng, với quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, thực tế sau hơn 10 năm sáp nhập, giờ đây Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Do đó, sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Từ thực tiễn của Hà Nội, cho thấy đề xuất trên của Bộ Nội vụ là có căn cứ, bước đi phù hợp với tình hình thực tế nhằm sớm khắc phục tình trạng chậm và căn bệnh “đổ lỗi” của các địa phương.

Bảo Hân

Bảo Hân