Khắc khoải tiếng Nga
Ngày xưa, tiếng Nga là số 1. Cả nước học tiếng Nga, người người học tiếng Nga. Còn hôm nay? Có lẽ Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội là một trong những ốc đảo cuối cùng còn lưu giữ và tuyên truyền thứ tiếng “hiếm hoi” này tại nước ta.

Thời cao điểm, cả nước có đến 98% trường phổ thông học tiếng Nga, hiện nay, con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và tới đây, nếu chúng ta ban hành lại chuẩn đào tạo sau đại học mới, buộc các học viên cao học phải giỏi tiếng Anh, thì có lẽ chẳng còn ai mặn mà với tiếng Nga. “Sống mòn” chắc chắn là từ phù hợp và lạc quan nhất để mô tả tình trạng dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam hiện nay. Vì sao tiếng Nga lại “sống yểu” như thế?
Vị thế của nước Nga đang lên, nhu cầu học tiếng Nga trên thế giới không hề giảm, mà ngược lại có xu hướng tăng mạnh. Ước tính hiện có khoảng 800 triệu người đang sử dụng ngôn ngữ này hàng ngày. Như vậy, hiện tượng thoái trào với tiếng Nga chỉ là một hiện tượng riêng của Việt Nam. Nhưng vì sao? Không có cầu? Ắt giảm cung! Có lý, nhưng không thực tế. Nghiên cứu nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch cho thấy nhu cầu sử dụng lao động biết tiếng Nga ở nước ta trong nhữäng năm gần đây không ngừng tăng.
Như vậy, có thể vấn đề ở nguồn cung? Tôi còn nhớ nhận xét của giáo sư, viện sỹ Viện hàn lâm Giáo dục Nga, V. Kostamarov, người sáng lập Viện Tiếng Nga Puskin nổi tiếng: Việt Nam đang sở hữu một đội ngũ Nga ngữ học mạnh vào bậc nhất trong khu vực châu Á. Cũng đúng thôi, vì tiếng Nga từ lâu đã trở thành máu thịt của rất nhiều người trong số chúng tôi. Rất nhiều thầy cô, trải qua 40 năm thăng trầm của lịch sử, chỉ theo đuổi đúng một nghề duy nhất – học, dạy và dịch tiếng Nga. Chỉ có niềm đam mê mới tạo nên sự chuyên nghiệp. Niềm đam mê của những người chọn gửi cả cuộc đời cho một thứ tiếng đẹp nhưng “khó sống” – có lẽ không cần phải minh chứng.

Cầu tăng, cung đủ, điều kiện môi trường thuận lợi (vị thế nước Nga đang lên, nước Nga là đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam) – nhưng vì sao tiếng Nga vẫn sống trong khắc khoải? Những người lạc quan cho rằng, đó là sự khắc khoải của thời tiết chuyển mùa, dấu hiệu thời kỳ hồi xuân của tiếng Nga.
Tôi thì nghĩ khác. Việc tiếng Nga lại khởi sắc trong tương lai là điều tất yếu. Bởi ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp, ngôn ngữ là tâm hồn dân tộc. Một dân tộc có tâm hồn đẹp dĩ nhiên ngôn ngữ của họ luôn có sức cuốn hút lạ kỳ. Sức cuốn hút này không phụ thuộc vào các chỉ số GDP hay index của thị trường chứng khoán. Nó tồn tại khách quan bên ngoài mong muốn của con người. Cho nên việc tiếng Nga đang “sống mòn” hay “khởi sắc” về bản chất phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm và thái độ của chúng ta. Tôi có cảm giác chúng ta đang quay lưng lại với tiếng Nga, hay chí ít là không làm gì để tình hình khả quan hơn. Và cái giá mà chúng ta phải trả cho sự thờ ơ, lãnh đạm này là gì? Trước hết, chúng ta đang đánh mất cơ hội sống và làm việc với một tâm hồn đẹp. Thật buồn, khi không nhiều người cảm nhận được như thế, thậm chí ngay các bạn trẻ đang theo đuổi nghiệp tiếng Nga. Bởi với đa số các bạn – tiếng Nga chỉ là sự lựa chọn cuối cùng, bất đắc dĩ, để len chân vào cổng trường đại học.
Mới đây, tại Triễn lãm Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã để mất hợp đồng với đối tác Nga chỉ vì thiếu người phiên dịch. Toàn thành phố chỉ có vẻn vẹn 18 hướng dẫn viên du lịch bằng tiếng Nga, cộng với khoảng chừng đó là những người hành nghề tự do. Phần đông những người này đã có tuổi. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp một vài bạn trẻ chủ yếu vừa học ở Nga về, còn số tốt nghiệp trong nước gần như không thấy. Đó là hệ quả 15 năm chúng ta thờ ơ với tiếng Nga. Trong khi đó từ tháng 1.2006-9.2008, lượng khách du lịch Nga đến VN tăng 50%. Khách Nga nổi tiếng hào phóng, có thói quen tiêu đến những đồng xu cuối cùng. Mức tiêu dùng trung bình của khách Nga cao hơn mặt bằng chung từ 15-30%. Không những thế, nhiều doanh nghiệp Nga đang có chủ trương đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Chỉ riêng năm 2007, đã có 50 dự án đầu tư của Nga vào Việt Nam, trị giá 300 triệu USD. Nhiều “ông lớn” của Nga như Gazprom, Siluivoi Mashin và gần đây nhất là tập đoàn viễn thông Vưipelcom (mạng Beeline) đang đầu tư các dự án lớn vào Việt Nam. Khó khăn chung của họ là không tuyển dụng được nguồn nhân lực biết tiếng Nga chất lượng cao.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần tư duy chiến lược hơn đối với ngôn ngữ này. Nếu tiếp tục thờ ơ như hiện nay, thì chỉ 10 năm nữa, khi lớp người tâm huyết còn sót lại bây giờ về hưu hay đuối sức thì tiếng Nga ở VN sẽ rơi vào tình trạng hụt hẫng như tiếng Trung cách đây không lâu. Khi đó, e rằng không chỉ ngành du lịch gặp nhiều khó khăn.