Sắc thái khởi đầu…
Trong triển lãm Sắc xuân Ất Tỵ đang diễn ra tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, những bức tranh hoa đào của họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa như làm bừng sáng cả không gian. Nhìn sắc màu sống động, tươi tắn ấy, ít ai ngờ người vẽ lại một thời không hề có tình cảm với cây đào.
Họa sĩ tâm sự, anh sinh ra tại làng đào Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Gia đình anh cũng như bao người dân trong làng có nghề trồng đào Tết. Nỗi vất vả của người dân làng đào cũng như của người thân trong gia đình đã đi sâu vào tâm trí cậu bé Khoa khi ấy. Nỗi vất vả phủ đầy lên khu vườn với nơm nớp mối lo thời tiết. Năm ấy trời sương giá, gió mùa, trời mưa nhiều hay nắng nóng, trở lạnh sớm hay muộn… đều ảnh hưởng đến độ đào nở. Bởi vậy, để có được cành đào đẹp mang ra chợ bán, có được tiền ăn Tết là mồ hôi, nước mắt của bao người. Nhọc nhằn càng thôi thúc Khoa quyết tâm học hành, rồi đi theo ngành điêu khắc, hội họa.
Ấy thế, suốt những năm tháng làm nghề, ít nhiều gặt hái thành công với tranh hí họa chân dung, sáng tác nhiều đề tài nhưng Nguyễn Hữu Khoa đều cảm thấy chưa thỏa mãn. Cho đến một ngày năm 2010, họa sĩ ngắm lại những gốc đào và đặt bút họa bức tranh hoa đào đầu tiên. Có điều, đấy cũng là lúc anh nhận ra hoa đào thực sự rất khó vẽ. “Trông thì đẹp nhưng để vẽ một bức tranh đẹp quả là vô cùng khó. Tôi bứt rứt khôn nguôi, đi tìm hiểu lịch sử mỹ thuật Việt Nam và thấy rằng hình ảnh hoa đào xuất hiện rất mờ nhạt, có chăng chỉ là một chi tiết nhỏ làm nền trang trí trong tranh. Hoa đào - đặc biệt là chất đào đất Bắc dường như chưa bao giờ được đẩy lên như một nhân vật chính của hội họa”.
Theo họa sĩ, để vẽ chuẩn đào đất Bắc, người vẽ buộc phải có sự am hiểu tường tận cấu trúc của cây đào như thân, cành, lá, bông, nụ, thậm chí cả quả đào… “Chính lúc này đây, cảm giác thân thuộc của một người con làng đào đã cho tôi lời dẫn. Như họa sĩ muốn vẽ người giỏi đầu tiên phải học về giải phẫu để hiểu về cơ thể con người, muốn vẽ đào đẹp phải thuộc, phải biết về cây đào đúng với cấu trúc và cả hồn cốt của đào”.
Nguồn cảm hứng dường như bất tận
Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa cho biết, mới bắt đầu vẽ đào chủ yếu anh sử dụng sơn dầu. Chất liệu này có hòa sắc đẹp, tuy nhiên có lẽ các nhà nhập khẩu không nhập về màu hồng tươi nên khi muốn vẽ mà lại thiếu đi sắc thái tươi tắn riêng biệt của hoa đào. 15 năm qua, họa sĩ dày công nghiên cứu, thử nghiệm trên nhiều chất liệu và như bột màu, acrylic… để làm nổi bật độ thắm tươi, sắc hồng mong manh trên cánh hoa.
“Sắc thắm của hoa đào nhờ sự kết hợp ấy tạo ra độ rung cảm, chân thật, kích thích thị giác của người xem. Đặc biệt, màu sơn acrylic có tính ưu việt là màu sắc rực rỡ, tươi thắm gần với màu hồng tươi của những cánh hoa đào. Có điều chất liệu này cũng khó vẽ đẹp bởi vì độ phủ màu tương đối kém. Acrylic khá trong, nếu vẽ một nét sai mà muốn che đi nét cũ thì phủ nhiều lớp màu khác. Cho nên, riêng với tranh hoa đào phải vẽ rất chậm, cẩn thận, tỉ mỉ từng li từng tí”, họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa chia sẻ.
Không chỉ ở sự cẩn thận, tỉ mỉ mà người vẽ hoa đào cũng phải hết sức lưu ý về bố cục bức tranh. Theo họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa, cành đào lâu năm phần thân xù xì, cành đào ít năm phần thân non nhẵn cần thể hiện sao cho tinh tế. Với nhiều loài hoa khác có khi chỉ vẽ 1 - 2 bông người ta đã có thể biết ngay hoa gì nhưng riêng đào, nếu vẽ không khéo cũng rất dễ lẫn. Chưa kể, hoa đào bích phần lớn chiếm sắc hồng mà màu hồng tươi lại rất khó kết hợp với các màu sắc khác để có được tổng thể bức tranh đẹp. Cho nên vẽ đào, nhất là với người mới, để vẽ đẹp thường rất khó là vậy. Muốn tạo ra sự khác biệt phải kết hợp vẽ hoa nở với nụ mắt trắng, nụ mắt đen, kết hợp với một số nhánh mới tạo nên cảm giác gần cây hoa đào…
“Mỗi cây đào có hàng trăm, hàng nghìn bông hoa mà nếu nhìn thoáng qua, ta sẽ tưởng chúng giống nhau. Nhưng quan sát thật kỹ, ta sẽ nhận ra mỗi bông hoa có một đặc điểm, dáng vẻ và sắc thái riêng”. Chia sẻ như vậy, họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa cho rằng không phải bỗng nhiên mà hoa đào trở thành biểu tượng của mùa Xuân đất Bắc mỗi dịp Tết đến Xuân về trong khi nhiều loài hoa khác cũng đua nở vào mùa Xuân. Vì hoa đào càng nhìn càng đẹp. Vì trên mỗi cây hoa đào, chúng ta thấy sự hiện diện của chuỗi sự sống đang vươn mình từ mầm, nụ, lá, hoa… như sức sống của đất trời luôn tiếp diễn, nguồn cảm hứng dường như bất tận.
Cùng với tốc độ đô thị hóa, những khu vườn trồng đào ngày càng thu hẹp nhưng công chăm sóc cho đào Tết vẫn nhọc nhằn như xưa. Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa tâm sự, giờ đây, đằng sau nỗi vất vả, lo toan ấy còn là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến của người trồng đào, khi mỗi gốc đào, mỗi cành đào khoe sắc thắm đều chứa đầy không khí Tết. “Còn niềm vui của tôi khi vẽ tranh hoa đào là để lưu lại khoảnh khắc xuân bừng nở. Và hành trình hội họa của tôi gắn với cây hoa đào sẽ còn tiếp tục. Tôi sẽ khai thác hình ảnh cây hoa đào ở nhiều khía cạnh, mang vẻ đẹp tưởng chừng mong manh mà đầy sức sống, tinh tế ấy vào tranh, để vẻ đẹp của mùa Xuân đất Bắc được lan tỏa thông qua hội họa…”