Mỹ thuật châu Á đương đại

Khác biệt trong tương đồng

- Thứ Năm, 07/11/2019, 07:41 - Chia sẻ
Khi giao thương giữa các quốc gia châu Á phát triển, mỹ thuật khu vực này cũng để lại dấu ấn đậm nét về giao thoa văn hóa. Tuy nhiên, mỗi cá nhân nghệ sĩ là một sự khác biết và tác phẩm của họ thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đất nước mình.

Sáng tạo không ngừng

Triển lãm Tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Hà Nội, giới thiệu, khẳng định và đề cao giá trị đặc sắc của những tài năng hội họa đương đại của khu vực. Nhà nghiên cứu Phạm Long đánh giá, đây là triển lãm có chất lượng rất tốt tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Chỉ nhìn qua các gương mặt nghệ sĩ Việt Nam tham gia triển lãm đã thấy tính điển hình, với các nghệ sĩ danh tiếng như Trần Lưu Hậu, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo; hay lớp nghệ sĩ kế cận như Lê Quảng Hà, Đặng Xuân Hòa, Đỗ Hoàng Tường, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương và Trần Văn An. “Các họa sĩ đã trở thành cầu nối đưa tinh hoa mỹ thuật Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là lúc để họ khẳng định nền mỹ thuật nước nhà đang ở đâu trên thị trường mỹ thuật thế giới”, nhà nghiên cứu Phạm Long nói.


Tác phẩm “Mùa hạ chói chang” của Trần Lưu Hậu

Giám tuyển triển lãm, họa sĩ Trịnh Tuân cũng nhận định, tất cả các nghệ sĩ và tác phẩm của họ đều được lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên những tiêu chí về đặc trưng bản địa cùng chất lượng tác phẩm, uy tín nghệ thuật của tác giả. Xét về các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam, cả ba thế hệ, từ lão thành, kế cận đến trẻ tuổi đều khẳng định nỗ lực cá nhân và sự sáng tạo không ngừng qua thời gian.

Họa sĩ Trịnh Tuân kể, cách đây 3 tháng, ông đến đặt vấn đề với họa sĩ Trần Lưu Hậu về dự án này. “Lúc đó ông rất mệt, nhưng vẫn nhận lời. Gần đến ngày triển lãm, tôi được biết họa sĩ Trần Lưu Hậu đã không sử dụng tác phẩm cũ mà thực hiện 3 tác phẩm hoàn toàn mới với kích thước lớn nhất triển lãm. Ở tuổi ngoài 90, họa sĩ Trần Lưu Hậu không thể đi lại và cầm bút nhưng đã trải tấm toan xuống đất, đổ màu lên và dùng xe lăn thay cho vệt bút. Điều đó làm tôi thực sự xúc động bởi thái độ làm việc cũng như khát khao, tính sáng tạo vẫn tràn đầy của ông”.

Có tuổi đời trẻ nhất trong số nghệ sĩ Việt Nam tham gia triển lãm lần này, nhà điêu khắc Trần Văn An (sinh năm 1982) có 5 tác phẩm bằng chất liệu sắt hàn và inox. Các tác phẩm mang 5 ý nghĩa và chủ đề khác nhau. “Những ô cửa” với chất liệu thép không gỉ thể hiện sự khát khao, là ánh mắt nhìn ngang ra thế giới, vươn tới tương lai. Còn tác phẩm “Vượt thoát” lại là sự cởi trói khỏi những suy nghĩ hạn hẹp, vượt thoát những yếu kém của bản thân trong nghệ thuật để tìm đến tư duy mới trong nghệ thuật, cảm nhận luồng văn hóa mới ở thế giới bên ngoài… Với Trần Văn An, mỗi cá nhân nghệ sĩ đã là sự khác biệt, thể hiện từ phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật. Những biểu đạt trên tác phẩm chính là dấu ấn để nghệ sĩ thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đất nước mình.

Tự do và phá cách

Nghệ sĩ Ragini Upadhayayay Grela (Nepal) mang đến triển lãm các tác phẩm ẩn chứa nhiều tâm tư, nguyện vọng không chỉ cho riêng chị mà là tiếng nói của phụ nữ châu Á nói chung. Từ truyền thống, nề nếp cũ… vẫn còn là rào cản trong hoạt động thường ngày, cho đến tự do tư tưởng và hành động của họ. “Tôi muốn gửi gắm những thông điệp về nữ quyền và công lý cho nữ giới. Tính nữ trong tác phẩm của tôi tồn tại dưới nhiều bản dạng, nhưng chủ yếu là hình tượng mẹ Trái đất. Người Mẹ ấy đang oằn mình dưới sức nặng của ô nhiễm, của xung đột và lòng tham của con người. Tôi cảm thấy thôi thúc mãnh liệt phải lên tiếng về vấn đề này”, nghệ sĩ Ragini Upadhayayay Grela chia sẻ.

Nhận xét về vấn đề này, nhà giám tuyển Trịnh Tuân cho rằng, rõ ràng vẫn còn những cản trở trong quá trình biểu đạt của phụ nữ Á Đông. Đó là những điểm chung dễ thấy trong tác phẩm của các họa sĩ Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và cả Việt Nam. “Tôi đã vô tình nghe thấy một khách tham quan triển lãm nói rằng, đây là các tác phẩm mang tính Ấn Độ. Có lẽ họ đã nhìn thấy yếu tố chung nào đó trong màu sắc, phong cách mà các nghệ sĩ tạo tác. Giống như tác phẩm của nghệ sĩ tại các quốc gia đa đảo Philippines, Indonesia…, do sớm có sự tiếp xúc với nghệ thuật và văn minh phương Tây nên có những khác biệt trong tổng hòa chung của mỹ thuật châu Á. Đó là sự bứt phá khỏi những ràng buộc bằng đường nét và màu sắc. Sự giao thoa này rất cần thiết nhằm giúp đời sống mỹ thuật tránh được sự buồn tẻ”, họa sĩ Trịnh Tuân cho hay.

Mỹ thuật Thái Lan cũng có được nhiều thành quả nhờ việc tiếp thu phương pháp sáng tác hàn lâm châu Âu song hành cùng nền mỹ thuật cổ giàu bản sắc. Ở giai đoạn hiện nay, Thái Lan đào tạo mỹ thuật theo mô hình các nước châu Âu và Mỹ dựa trên ba xu hướng chính: Tổng quát, tinh hoa và hàn lâm. Nghệ sĩ Thái Lan Kamol Wattanachot Tungateja cho biết, ông đã sử dụng các góc nhìn khác nhau, bao gồm cả phương Đông và phương Tây, để thấy thuộc tính cho nội dung đưa vào tác phẩm. “Bằng cách sử dụng các dấu chấm, đường nét, màu sắc, kết cấu, không gian, hình dạng… tôi thể hiện sự chuyển động của các sinh vật trên Trái đất, tạo ra sự cân bằng của vẻ đẹp phù hợp với trí tưởng tượng của tôi, nhằm thể hiện khái niệm cá nhân về tự nhiên”.

Hương Sen