Khác biệt để phát triển

- Thứ Sáu, 22/01/2021, 06:44 - Chia sẻ
Quá trình sáng tác và thực hành các loại hình nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo, nghiêm cẩn của mỗi nghệ sĩ. Trong quá trình ấy, tính độc lập, riêng biệt của nghệ sĩ sẽ tạo ra sự khác biệt, để lại dấu ấn và phát triển. Đó là chia sẻ của nhiều nghệ sĩ tại tọa đàm “Trùng trùng tiếp tiếp: sân khấu xưa và nay” tối 20.1.

Truyền thống không bất biến

Theo nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức, qua thời gian, các loại hình nghệ thuật đều đứng lên đòi quyền độc lập, sân khấu truyền thống cũng không ngoại lệ. Kéo theo đó, mỗi cá nhân làm nghệ thuật và mỗi bộ môn nghệ thuật cũng luôn mong muốn được thể hiện tính riêng trong sự phát triển chung. Trong các loại hình sân khấu kịch hát, tuồng mang tính hành vi rất cao, đòi hỏi sự trau chuốt, tinh khéo của động tác, dễ mang đến cảm nhận trực diện cho người xem. Là sự tổng hợp của nghệ thuật ca, múa, nhạc và diễn trò, bản thân mỗi vở tuồng và diễn viên thực hành bộ môn nghệ thuật này đều hướng tới mục đích thể hiện cảm xúc, tư duy, suy nghĩ cá nhân, xa hơn là tư tưởng vở diễn, ý tưởng về nội dung, quan điểm nghệ thuật.

Nhiều nghệ sĩ cho rằng, truyền thống là bản sắc, ở phương diện cụ thể, bản sắc ấy được thể hiện khác nhau trong cá nhân mỗi nghệ sĩ. Với nghệ thuật truyền thống, diễn viên có thể yêu hay ghét, song thái độ, cách tiếp cận như thế nào là do họ. “Tôi từng nghe nhiều tranh luận, nếu không hiểu truyền thống sẽ khó thực hành các loại hình nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người không biết/hiểu nghệ thuật truyền thống, lại làm khá tốt các loại hình này, bởi tính cá nhân của họ rất cao. Cá nhân tôi cho rằng, với cả người diễn và người xem, nên hiểu truyền thống để thể hiện rõ hơn sự yêu, ghét của mình đối với các bộ môn nghệ thuật. Chỉ khi hiểu truyền thống mới có thể biến đổi hiểu biết này thành tính cá nhân, từ đó dễ dàng nắm bắt, hòa hợp với sân khấu quốc tế”, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức nói.

Còn theo đạo diễn, NSƯT Đặng Bá Tài (Nhà hát Tuồng Việt Nam), với sân khấu tuồng, đành rằng không phải là bất biến, nhưng truyền thống là sự tiếp nối, kế thừa, cô đúc, là sự chắt lọc và định hình từ hàng chục, hàng trăm thế hệ nghệ sĩ đã đồng sáng tạo những vai diễn mẫu mực, có giá trị như: Kim Lân, Linh Tá, Phạm Ðịnh Công... cùng với những miếng diễn hết sức đặc sắc như: Kim Lân biệt mẹ, Kim Lân qua đèo, Ôn Ðình chém Tá, Phạm Ðịnh Công đề cờ (trong vở tuồng “Sơn Hậu”); hoặc Lão Tạ sai Cơ, Phương Cơ qua ải, Tạ Ngọc Lân lăn lửa (tuồng “Tam nữ đồ vương”)… Song, nếu tuồng của 100 năm sau vẫn diễn như 100 năm trước thì rất khó có người xem, khó tìm được công chúng.

Cảm xúc - dấu ấn khác biệt

NSƯT Đặng Bá Tài cho rằng, giá trị của sân khấu là một dòng chảy không ngừng nghỉ. Từ quá khứ đến hiện tại, tác phẩm sân khấu được định hình bởi các tài năng sáng tạo ra nó. Thế hệ của ông được đào tạo theo một phương pháp hoàn toàn khác so với thế hệ sau này. Do vậy, người theo học nghệ thuật có sự cảm nhận khác, thay đổi theo từng điều kiện môi trường xã hội.

		Cảm xúc nghệ sĩ tạo nên dấu ấn khác biệt cho vở diễn
Cảm xúc nghệ sĩ tạo nên dấu ấn khác biệt cho vở diễn

Mở rộng vấn đề, một số nghệ sĩ nêu quan điểm, các trường học nói chung lâu nay vẫn dạy trò làm và tư duy theo thầy, song dường như quên hoặc rất ít khi dặn học trò hãy làm bằng những gì mình học được hoặc cần sẵn sàng thể hiện tố chất sẵn có. Sự sáng tạo của người học sẽ làm nên tính cá biệt, đặc sắc của sản phẩm họ làm ra. Nghệ sĩ tuồng Nguyễn Đình Nam đồng tình, không thể bắt trò làm theo răm rắp những gì thầy bà truyền đạt. Ngoài việc học thầy, nghệ sĩ phải có cái tôi, có chính kiến thì mới phát triển. Đúng hơn, “nếu chỉ dựa vào thầy, chúng ta chỉ là những con rối”.

Hiện nay sân khấu tuồng, chèo, cải lương rất khan hiếm khán giả. Ở các loại hình nghệ thuật khác, đơn cử như mỹ thuật, họa sĩ nào vẽ giỏi sẽ bán được nhiều tranh, nhà văn nào tiếp cận với cách nhìn của thế giới thì bán được nhiều sách. Với nghệ thuật nói chung, một số tác giả khai thác cái tôi mạnh mẽ, tiếp cận và đề cập tất cả các vấn đề của đời sống xã hội thì có thể tác phẩm của họ được đông đảo công chúng đón nhận. "Song, áp dụng điều này với sân khấu truyền thống lại rất khó”, NSƯT Đặng Bá Tài nhận định.

Tuy nhiên, NSƯT Đặng Bá Tài giải thích thêm, một số vở tuồng truyền thống cách đây hàng trăm năm đến nay vẫn tồn tại, không chỉ bởi nó mang nội hàm khái quát, nội dung sâu sắc, dấu ấn nghệ thuật xuyên thời gian như “Tam nữ đồ vương”, “Ngọn lửa hồng sơn”, “Sơn Hậu”, “Trảm Trịnh Ân”... mà còn mổ xẻ nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, được khán giả yêu chuộng. “Vấn đề chúng tôi muốn bàn là, tại sao các vở tuồng hiện đại gần đây cũng đầy ắp hơi thở cuộc sống, lại ít được nhớ đến, khán giả xem rồi dễ dàng quên. Vậy, giữa giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật đang có sự vênh nhau. Tính độc lập, tính tự do đang được phát huy để khuyến khích các cá nhân phát triển và sáng tạo. Một tác phẩm sân khấu truyền thống không thể bắt diễn viên thực hiện như nguyên bản các vở diễn mẫu mực xưa, bởi động tác có thể gần đúng nhưng cảm xúc là những gì rất riêng của mỗi nghệ sĩ”.  

Thực tế, các nghệ sĩ ở cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, đa số không được trực tiếp xem những vở tuồng thầy mẫu mực, những vai diễn đặc sắc của các nghệ sĩ thế hệ trước, song họ vẫn thể hiện rất đạt các vai diễn tuồng truyền thống. Để làm được điều đó là bởi cảm nhận của nghệ sĩ với vở diễn và cảm xúc khi thể hiện. Tất cả làm nên sự khác biệt giữa các nghệ sĩ.

Hương Sen