Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đến đâu?

- Thứ Bảy, 29/09/2012, 15:23 - Chia sẻ
Nhìn tổng quan trong bối cảnh hiện nay, việc nền kinh tế có hấp thụ được vốn hay không, bên cạnh điểm mấu chốt là tự thân các doanh nghiệp phải vận động, giải quyết hàng tồn kho, thì nghệ thuật điều hành, kết hợp khéo léo các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ và kích thích thị trường, mở rộng thị trường của Chính phủ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng.

“Thừa vốn, thừa hàng – thiếu tiền”
 
Sau khi tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm chỉ ở mức 1,06%, trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lên 25-30% cho nhiều ngân hàng thương mại thì đồng loạt các ngân hàng thương mại đã đưa ra các chương trình tín dụng với lãi suất hấp dẫn. Chẳng hạn, từ tháng 9, HDBank triển khai chương trình cho vay khách hàng cá nhân lãi suất thấp nhất 8,6%/năm và doanh nghiệp 9%/năm với tổng hạn mức hơn 2.000 tỷ đồng, giải ngân đến hết năm 2012; Vietcombank, VIB cũng ưu đãi lãi suất vay vốn 9%/năm cho 3 tháng đầu; OCB đang triển khai dòng sản phẩm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp do phụ nữ quản lý với nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp hơn 1-1,5%/năm so với mức cho vay thông thường 15%/năm… Tuy nhiên, doanh nghiệp và ngân hàng dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, nhiều doanh nghiệp vẫn lên tiếng than phiền về việc khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng. Kết quả là, tung ra nhiều gói lãi suất hấp dẫn nhưng sự tăng trưởng tín dụng của hệ thống tài chính ngân hàng vẫn không đáng kể.
 
Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) Phạm Linh, kết quả khảo sát thực trạng tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện là những khách hàng của OCB cho thấy, những khó khăn chính của doanh nghiệp hiện nay là sức mua thị trường không tăng; khả năng chi trả, thanh toán sụt giảm, trả gốc nợ vay tăng lên; mất cân đối nguồn vốn giữa tổng nợ phải trả trên vốn chủ tăng cao mà biểu hiện cụ thể là thị trường và mức cầu giảm, lợi nhuận giảm, khả năng thanh toán ở mức báo động, hàng tồn kho cao… Tình trạng chung hiện nay là các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận vốn thì không thể tiếp cận do nợ cũ còn nhiều, những doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận vốn thì cũng lại chẳng vay vì hàng tồn kho còn chất như núi. Thống kê của các ngành sản xuất cho thấy chỉ số hàng tồn kho hiện đang ở mức rất cao. Đơn cử, theo Hiệp hội thép Việt Nam, hiện lượng thép tồn kho đang lên đến hơn 300.000 tấn, hầu hết doanh nghiệp ngành này đều đang cắt giảm sản xuất xuống dưới 60% công suất, thậm chí có đơn vị ngừng sản xuất. Các ngành vật liệu xây dựng cũng đang tồn kho hàng nghìn tỷ đồng, cùng với hàng tỷ USD đang nằm chết trong các dự án bất động sản.
 
Tại Diễn đàn về kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vừa được tổ chức, chuyên gia tài chính Nguyễn Đại Lai nhận định, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng báo động. Phần lớn tín dụng bơm ra trong 8 tháng qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ và/hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn dao động xung quanh mức cũ. Sức ỳ của nền kinh tế biểu hiện rõ qua năng lực hấp thụ vốn rất yếu của doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ đối với thị trường hàng hóa, dịch vụ, cung đang lớn hơn cầu, tức là sức mua rất yếu. Đối với thị trường vốn cũng có tình trạng ứ đọng, không tìm được nhiều khách hàng đủ điều kiện hấp thụ vốn mới hiệu quả và an toàn để bán vốn. Như vậy cả nền kinh tế đang trong trạng thái tổng quát: “thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền”.
 
Việc nới lỏng tín dụng cùng với việc "mở van" đầu tư công theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng phải giải ngân khoảng 21 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung rất yếu đang làm dấy lên lo ngại về việc lạm phát tăng trở lại. Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, khi mà cung tiền tăng lên trong khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, hay nói cách khác, khi nền kinh tế thực sản xuất kinh doanh không hấp thụ và thực hiện được thì nguồn tiền lại đổ vào đầu cơ và các lĩnh vực tiêu cực khác, vô hình trung sẽ làm tăng nguy cơ thổi bùng lạm phát. Bài học lịch sử về sự không hài hòa giữa cung tiền và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế của năm 2009 đẩy lạm phát tăng cao vẫn còn nguyên giá trị.
 
Cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp
 
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế trong trạng thái “thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền” như hiện nay, những giải pháp cấp bách để tạo khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp lúc này vẫn nằm ở các giải pháp làm sao để kích cầu tiêu dùng, giải quyết lượng hàng tồn kho, khơi thông nguồn vốn để doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất. Nếu như lượng hàng tồn không được giải quyết, doanh nghiệp sẽ không thể có đủ điều kiện vay vốn và không vay vốn để sản xuất tiếp. Điều này sẽ càng làm tăng nguy cơ đẩy lạm phát lên cao khi cung tín dụng được nới lỏng. Mặt khác, việc tái cấu trúc các doanh nghiệp phải theo hướng nâng cao năng lực kinh doanh ở doanh nghiệp như năng lực lập dự án kinh doanh, quản trị rủi ro, vấn đề quản trị công ty…
 
Để giải quyết hàng tồn kho, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải hạ giá bán để kích thích sức mua của thị trường. Khi lượng hàng tồn kho được giải quyết, khả năng tiếp tục kinh doanh sản xuất, hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới trở thành hiện thực. Chính phủ trong quá trình này cũng có vai trò quan trọng trong việc khơi thông dòng tiền cho nền kinh tế. Bên cạnh việc hạ lãi suất của các ngân hàng, thì các bộ ngành cũng cần có các biện pháp giảm thuế, phí, ân hạn thuế cũng như các biện pháp tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Mặt khác, nếu như nợ xấu ngân hàng được xử lý tốt, khối băng bất động sản dần tan cũng là những điểm nút quan trọng góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại.
 
Muốn doanh nghiệp và nền kinh tế có thể hấp thụ được vốn, chuyên gia tài chính Nguyễn Đại Lai cho rằng, những biện pháp cần tập trung vào kích cầu tiêu dùng, tổ chức lại kênh phân phối trong và ngoài nước và thiết kế các chính sách quản lý thị trường tài chính nói chung, thị trường tín dụng nói riêng phải tuân theo các nguyên tắc: tôn trọng quy luật thị trường, gỡ bỏ mọi rào cản mang tính hành chính và độc quyền hóa, kiểm soát tính minh bạch, công khai mọi cơ chế tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, từng bước bắt buộc mọi tổ chức tín dụng cổ phần phải lên sàn chứng khoán có tổ chức để tạo thêm kênh kiểm soát tính minh bạch.
 
Các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường tiêu thụ theo nguyên tắc “buôn có bạn, bán có phường” thông qua các Hiệp Hội ngành nghề để tổ chức hình thành các kênh phân phối hợp lý, có tổ chức từ sản xuất tới tiêu dùng ở tất cả các tỉnh, thành phố ở trong nước và tổ chức các dòng sản phẩm ra các thị trường nước ngoài. Về phía Chính phủ, cần có chính sách kích cầu và coi đây là giải pháp cấp bách cần phải thực hiện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên làm đầu mối mua vốn của ngân hàng thương mại thừa với lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước ấn định trừ đi 1% và bán lại cho ngân hàng thương mại thiếu bằng hoặc xấp xỉ lãi suất tái cấp vốn cùng kỳ, không cao hơn lãi suất cho vay ngoài thị trường. Về lâu dài, nên dỡ bỏ quy định trần lãi suất ở thị trường 1, cũng như xóa bỏ mọi hình thức sở hữu chéo giữa doanh nghiệp với ngân hàng.
 
Nhìn tổng quan, việc nền kinh tế có hấp thụ được vốn hay không, bên cạnh điểm mấu chốt là tự thân các doanh nghiệp phải vận động, giải quyết hàng tồn kho, thì nghệ thuật điều hành, kết hợp khéo léo các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ và kích thích thị trường, mở rộng thị trường của Chính phủ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Tự Cường