Thu hồi đất nhưng chưa đảm bảo sinh kế
Theo HĐND tỉnh Đắk Lắk, ngày 13.1.2017, UBND TP. Buôn Ma Thuột phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 80 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số bị thu hồi 19,8ha đất để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh (dự án đô thị Suối Xanh). Dự án do Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên làm chủ đầu tư. Về nguồn gốc đất cấp cho những hộ này đều theo Chương trình 134 của Chính phủ.
Theo đó, 80 hộ dân trên được nhận tiền một lần với tổng số tiền hơn 113 tỷ đồng; trong đó, bồi thường về đất là hơn 86,6 tỷ đồng và chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề là hơn 27 tỷ đồng. Sau khi bị thu hồi đất, TP. Buôn Ma Thuột không nắm được sinh kế của những hộ này; họ được nhận tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tự lo tìm kiếm việc làm; những hộ này mất đi tư liệu sản xuất.
Tương tự, năm 2009 UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi 8ha đất sử dụng sản xuất của 16 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện dự án thu hồi đất để xây dựng trung tâm huyện Cư Kuin; nguồn gốc đất cũng được Nhà nước cấp theo Chương trình 134.
Đến năm 2014, UBND huyện Cư Kuin giao đất sản xuất với diện tích tương ứng cho 16 hộ này. Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Đắk Lắk, đến nay 16 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển nhượng.
Theo HĐND tỉnh Đắk Lắk, việc nhà nước thực hiện thu hồi đất sản xuất đã cấp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương là cần thiết nhưng đề nghị việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi cho đồng bào dân tộc thiểu số, vì đồng bào hộ nghèo phần lớn đông con, già yếu, trình độ hạn chế, sức khỏe yếu... rất khó chuyển đổi nghề ngoài tập quán canh tác nông nghiệp, theo phương thức đổi công và sự giúp sức của cộng đồng.
Bộc lộ nhiều hạn chế
Theo HĐND tỉnh Đắk Lắk, công tác quản lý đất đai trên địa bàn trong thời gian qua còn thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều hạn chế.
Cụ thể, các trường hợp hộ đồng bào dân tộc thiểu số ngấm ngầm chuyển nhượng đất do nhà nước giao (hoặc cấp) sai quy định. Cụ thể là, trong thời gian 10 năm không được chuyển nhượng; nhiều địa phương không nắm bắt được thông tin chuyển nhượng; trường hợp chuyển nhượng đúng quy định thì các thủ tục chỉ thực hiện tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (do Sở TNMT tỉnh Đắk Lắk quản lý) nên địa phương không nắm bắt hết; công tác lưu trữ hồ sơ, sổ sách kế thừa, bàn giao hồ sơ qua các chương trình không có hoặc có thì cũng không đầy đủ.
Trong đó, Sở TNMT tỉnh Đắk Lắk không nắm được số liệu về hộ đồng bào dân tộc thiểu số sang nhượng quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho các trường hợp khác trên địa bàn tỉnh, nên không báo cáo được cho đoàn giám sát theo yêu cầu.
Tại một số địa phương, công tác nhận bàn giao đất từ công ty nông, lâm nghiệp để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại chỗ và sau đó, thực hiện cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực hiện theo quy định về đất đai tại thời điểm nhà nước cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Quỹ đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp ở địa phương còn hạn chế. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác như bố trí dân cư, quy hoạch nông thôn mới còn chưa kịp thời.
Bên cạnh đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều đông con, khi lập gia đình, tách hộ lại làm phát sinh hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, tạo áp lực cho thực hiện chính sách đất đai ở địa phương.
Trong thời gian tới, HĐND tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh kiến nghị trung ương thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số như, tăng định mức hỗ trợ tại Quyết định số 04; sớm giao chỉ tiêu vốn chính sách tín dụng ưu đãi năm 2024; tăng các nguồn vay…
Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con hạn chế việc sang nhượng đất ở, đất sản xuất dẫn đến thiếu tư liệu sản xuất, cũng là nguyên nhân sâu xa trong việc khó xóa nghèo; hướng dẫn chính sách về miễn, giảm, giãn nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đồng bào dân tộc thiểu số…