Kết nối và thăng hoa trong không gian âm nhạc Pháp ngữ

- Thứ Ba, 20/03/2012, 07:35 - Chia sẻ
Tối 20.3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra lễ kỷ niệm chính thức Ngày Quốc tế Pháp ngữ 2012, với điểm nhấn là chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, nơi sự đa dạng văn hóa của không gian Pháp ngữ sẽ được thể hiện rõ nét.

Ngoài các nghệ sỹ Việt Nam, chương trình có sự tham gia của nghệ sỹ Bỉ Cloé du Trèfle - Cloé Hoa và nghệ sỹ Congo Maryse Ngalula. Nhiều người tò mò về cái tên Cloé Hoa - nghệ sỹ sẽ biểu diễn 4 tiết mục do cô tự sáng tác. Thực tế, cô ca sỹ nổi tiếng này không có gốc gác gì với Việt Nam. “Năm 17 tuổi, tôi sang Mỹ học. Do tên tôi (Cloé) khó phát âm, còn Trèfle nghĩa là cỏ 3 lá - biểu tượng của may mắn và hạnh phúc, khi nở hoa cũng rất đẹp, vì thế các bạn đặt cho tôi tên tiếng Anh là Clovers (cỏ 3 lá) và tôi lấy luôn nó làm nghệ danh. Lần đầu tiên sang Việt Nam biểu diễn, tôi đã nhờ nhân viên Phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam tìm cho một cái tên tiếng Việt vừa mang tính thơ, vừa ý nghĩa, lại gần với nghệ danh của tôi. Và thế là Cloé Hoa ra đời. Tôi hy vọng khán giả Việt Nam sẽ cảm thấy gần gũi hơn và đồng cảm với những gì tôi mang tới”.

Sau khi được đào tạo cơ bản về piano, Cloé du Trèfle chuyển sang chơi ghita điện và tiếp tục con đường tìm kiếm những âm thanh kỳ diệu, dựa trên các vòng lặp âm thanh được tạo ra bởi mẫu âm (sampler) hoặc bởi sự pha trộn âm thanh qua máy tính. Khán giả lúc thì nhắm mắt thưởng thức âm nhạc đầy tính thơ của cô, lúc lại chăm chú dõi theo những hình ảnh chiếu trên màn hình. Cloé tâm sự, âm nhạc của cô chính là kết quả của các chuyến đi. Ấn tượng về Việt Nam và những âm thanh trên phố phường Hà Nội, đặc biệt là dòng xe máy lưu thông tấp nập có thể sẽ xuất hiện trong các tác phẩm của Cloé sau này.

Trước sự phổ biến của tiếng Anh, thị trường dành cho âm nhạc Pháp ngữ chủ yếu là tại các nước nói tiếng Pháp. Cơ hội đi lưu diễn nước ngoài của nghệ sỹ cũng ít hơn so với đồng nghiệp sáng tác hoặc hát bằng tiếng Anh. Nhưng Cloé không băn khoăn lắm về điều này: “Lựa chọn ngôn ngữ khi sáng tác đối với tôi không thành vấn đề. Đĩa đơn đầu tiên của tôi bằng tiếng Anh. Trong album mới nhất của tôi cũng có một bài hát bằng tiếng Anh. Quan điểm của tôi là khi cần giai điệu tôi sẽ sáng tác bằng tiếng Anh, còn lại vẫn chủ yếu bằng tiếng Pháp. Bởi tiếng Pháp ít (người sử dụng) nhưng… cao quý và gây tò mò. Tôi rất vui nếu được trở lại biểu diễn tại Việt Nam hoặc mời các nghệ sỹ Việt Nam sang Bỉ biểu diễn”.

Cùng biểu diễn trong chương trình là Maryse Ngalula (Congo) - người đã dành trọn niềm đam mê cho ca hát và đàn ghita từ thủa niên thiếu. Với chất giọng trong trẻo, đầy nội lực, một phong cách cá tính pha trộn chất liệu jazz và âm nhạc truyền thống Congo, Maryse Ngalula kết hợp tinh tế Mutuashi du Kasai (thể loại nhạc truyền thống ở miền trung Congo), với blue và jazz. Cô hy vọng, giọng hát và những giai điệu ghita của cô lấp đầy không gian khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội, chạm đến tâm hồn của khán giả.

Chương trình lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ 2012 do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Văn phòng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đặt tại Hà Nội và Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và các Cơ quan Pháp ngữ tại Việt Nam (GADIF) tổ chức. Không chỉ là dịp tôn vinh “quyết tâm và lòng tự hào được nói tiếng Pháp”, các nhà tổ chức hy vọng thông qua âm nhạc và nghệ thuật những người nói tiếng Pháp sẽ phấn chấn và thăng hoa, tiếp tục đoàn kết và chia sẻ, vượt qua thách thức, hướng tới tương lai. Bởi, theo Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam, Chủ tịch GADIF Franck Pezza, “tiếng Pháp không đơn giản là một ngôn ngữ, cho dù đẹp và tinh tế, mà nó còn là những giá trị, tư tưởng, sự đoàn kết, đối thoại, sự cởi mở với thế giới, tôn trọng và ủng hộ đa dạng văn hóa”.

Nhật Linh