Quảng bá du lịch Bến Tre - Trà Vinh

Kết nối tuyến du lịch sông nước hữu tình

- Thứ Năm, 19/11/2020, 23:07 - Chia sẻ
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội - VITM Hà Nội 2020, chiều 19.11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh đã tổ chức chương trình quảng bá du lịch với chủ đề “Kết nối tuyến du lịch sông nước hữu tình”, nhằm giới thiệu tới đại diện các đơn vị lữ hành tiềm năng nổi trội về văn hóa sông nước, miệt vườn nơi đây.

Thế mạnh sông nước, miệt vườn

Bến Tre và Trà Vinh cùng ở hạ lưu sông Mê Kông, nằm giữa hai nhánh sông Tiền, sông Hậu nối liền nhau bởi cầu Cổ Chiên và cùng tiếp giáp với Biển Đông. Vùng đất này mưa thuận gió hòa, mang nét đặc trưng cho sự giao thoa chuyển vùng từ đồng bằng sang vùng biển. Với vị trí giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy, Bến Tre chỉ cách TP Hồ Chí Minh 80km về hướng Tây. Đây cũng là tỉnh phát triển du lịch dựa vào lợi thế sinh thái sông nước xứ dừa gắn với truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất địa linh nhân kiệt.

Bến Tre có lợi thế sinh thái sông nước thuận lợi cho phát triển du lịch
Nguồn: ITN

Tiếp nối Bến Tre về hướng biển Đông khoảng hơn 40km là đến thành phố Trà Vinh - vùng đất mang nét đặc trưng cho sự giao thoa chuyển vùng từ đồng bằng sang vùng biển, là nơi gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Đức, những lợi thế trên đây giúp cho Bến Tre và Trà Vinh có nhiều điều kiện phát triển du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng; cùng với đó là du lịch cộng đồng mà đặc trưng là du lịch văn hóa. Sự kết hợp giữa du lịch Bến Tre và Trà Vinh làm phong phú sản phẩm du lịch, tạo thêm sự hấp dẫn cho du khách khi đến với hai tỉnh.

“Không phải ngẫu nhiên Bến Tre và Trà Vinh chọn cách kết nối vô cùng đặc biệt mang tên sông nước hữu tình để gắn kết sản phẩm hai địa phương. Đây là sự đúc kết từ một hành trình, một trải nghiệm vô cùng phong phú, không trùng lặp, tạo cho hai tỉnh nét văn hóa riêng đặc sắc. Trên cơ sở đó, khi liên kết sẽ tạo nên những sản phẩm độc đáo, không nơi nào có, với một Bến Tre mạnh về du lịch trải nghiệm sông nước xứ dừa, mở rộng sang Trà Vinh có nền văn hóa Khmer phong phú, đặc sắc càng thu hút và lưu giữ khách du lịch lâu hơn, tạo điều kiện cho cả hai tỉnh cùng phát triển kinh tế trong thời gian tới”, ông Đức khẳng định.

Kết nối sản phẩm du lịch liên vùng

Thời gian qua, nhằm tạo sự khác biệt với các địa phương trong cụm (gồm Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh) và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng thế mạnh của vùng đất xứ dừa, tỉnh Bến Tre đang tập trung vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lĩnh vực du lịch trên địa bàn xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước và trải nghiệm văn hóa gắn với cây dừa.

Ký kếp hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch giữa Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh, thành phố

Theo ông Trì Văn Nghiệp, đại diện khu du lịch sinh thái Cái Cấm - Mỏ Cày, Bến Tre, đơn vị đã xây dựng sản phẩm có điểm nhấn khác lạ, đó là con đường dừa nhằm kết nối với Trà Vinh. “Con đường dừa đưa khách đến chợ dừa, xem công nghệ sản xuất dừa của Bến Tre từ việc chế biến sơ dừa, dầu dừa, các loại thực phẩm, bánh kẹo, mỹ phẩm... được chế biến từ dừa. Sau đó, du khách tiếp tục được trải nghiệm đạp xe quanh vườn dừa, xem cách hái dừa, leo cây dừa truyền thống của người Bến Tre; thưởng thức khu ẩm thực với các món ăn có sử dụng hương vị và nguyên liệu dừa”.  

Sản phẩm du lịch xứ dừa của Bến Tre đã được các doanh nghiệp lữ hành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đưa vào tour liên kết nhằm giới thiệu tới du khách trong khu vực, đặc biệt là khách du lịch phía Bắc. Ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Rustic Mekong (Hà Nội) chia sẻ, từng nói chuyện với vua dừa Bến Tre, ông rất ngạc nhiên vì tại đây có tới 17 loại dừa và những câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, lịch sử xoay quanh trái dừa… “Khai thác sâu thế mạnh này, theo tôi sẽ là điểm nhấn khác biệt để Bến Tre xây dựng các sản phẩm du lịch liên quan đến các câu chuyện về dừa, sản phẩm dừa”.

Cũng theo ông Bích, do có thời gian dài tham gia liên kết, phát triển du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) và du lịch chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng)..., ông và nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn mong muốn xây dựng thêm nhiều sản phẩm tại Bến Tre vì tiềm năng du lịch của địa phương này rất lớn, so với các tỉnh miền Tây. “Tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú, vị trí địa lý thuận lợi với hệ thống sông ngòi, miệt vườn giúp địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút được nguồn khách cao cấp, mang lại điểm nhấn cho khu vực sông Mê Kông. Đây cũng là tuyến kết nối du thuyền từ Bến Tre đi các tỉnh trong khu vực”, ông Bích nói.

Còn theo ông Nguyễn Phước Thiện, đại diện Công ty Du lịch Cồn Phụng Bến Tre, chuyên tổ chức các đoàn khách du lịch miền Tây, đơn vị ông vẫn đưa khách từ TP Hồ Chí Minh ra Bến Tre tham quan Cồn Phụng, sau đó có thể kết nối tới các tỉnh còn lại của đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… “Tôi nghĩ, những trải nghiệm tại Bến Tre từ tham quan công trình kiến trúc Đạo Dừa, Bảo tàng Dừa đến tìm hiểu và khám phá các công trình văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc người Khmer ở Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang sẽ làm vừa lòng những vị khách khó tính nhất trên các tỉnh thành phía Bắc”.

“Tiếp cận các sản phẩm du lịch của hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, tôi thấy có sự khác biệt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hơn các hoạt động liên kết, bảo đảm các phương án khả thi trong triển khai, phát triển các sản phẩm của doanh nghiệp lữ hành Hà Nội tại các điểm đến trên địa bàn hai địa phương. Hà Nội sẽ cam kết phối hợp tuyên truyền quảng bá sản phẩm của Bến Tre và Trà Vinh trên các kênh thông tin - truyền thông của thành phố. Đồng thời, giữa Hà Nội và các địa phương sẽ tăng cường hợp tác trong công tác quản lý, phối hợp thông tin tuyên truyền, an ninh môi trường giữa các doanh nghiệp bảo đảm cạnh tranh lành mạnh nhất”.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu

Hương Sen