Kết nối giao thương Việt Nam - Cộng hòa Séc
Những năm gần đây, cùng với tiến trình hội nhập, quan hệ kinh tế Việt Nam – Cộng hòa Séc tăng trưởng ổn định, kể cả trong năm 2012 khi châu Âu chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 242 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 180 triệu USD và nhập khẩu từ Cộng hòa Séc 62 triệu USD. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, Chính phủ hai bên đang tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp giao thương, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau.
Cộng hòa Séc là một trong số những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Đông Âu, vì vậy thúc đẩy quan hệ hợp tác với Cộng hòa Séc càng đặc biệt quan trọng khi Cộng hòa Séc là một thành viên của Liên minh châu Âu, đối tác kinh tế, thương mại có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang CH Séc vẫn là giày dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện... Mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CH Séc không cao so với các thị trường lớn khác trên thế giới, nhưng luôn đạt mức tăng trưởng ổn định, các mặt hàng: thủy hải sản, máy móc, đồ gỗ, cà phê... đều tăng so với năm trước.
![]() Nguồn: thoibaonganhang.vn |
Với nền kinh tế năng động và tăng trưởng cao, Việt Nam có tiềm năng về thương mại và đầu tư khá lớn. Do đó, các doanh nghiệp của Cộng hòa Séc mong muốn đẩy mạnh hợp tác và khai thác tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là về cơ sở hạ tầng, công nghiệp, y tế và du lịch. Chính phủ Séc đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 12 đối tác phát triển thương mại trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Séc Martin Kuba, Việt Nam là bàn đạp quan trọng để các doanh nghiệp của Cộng hòa Séc thâm nhập thị trường Đông Nam Á, Cộng hòa Séc cũng là kênh quan trọng để Việt Nam mở rộng ở thị trường EU. Một lợi thế cho phát triển quan hệ Việt Nam – Cộng hòa Séc là nhiều người Việt Nam đã học tập và làm việc tại Tiệp Khắc trước đây, cũng như cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Cộng hòa Séc, đóng vai trò cầu nối quan trọng cho quan hệ kinh tế hai nước. Mặc dù quan hệ thương mại liên tục gia tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Do đó, Chính phủ Cộng hòa Séc sẽ có những cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp có mong muốn làm ăn với Việt Nam.
Với việc Cộng hòa Séc công bố tiếp tục đưa Việt Nam vào danh mục 12 thị trường ưu tiên về ngoại thương và Việt Nam cũng đưa Séc vào danh mục thị trường tiềm năng, tham gia Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia từ năm 2011 trở đi, nên nếu công tác xúc tiến thương mại được đột phá bằng các hoạt động và dự án cụ thể, đa dạng của Trung ương và địa phương thì chắc chắn sẽ tăng thêm nhiều giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Séc, tạo tiền đề lan tỏa sang các thị trường lân cận. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có thêm hỗ trợ trong việc khảo sát, tìm hiểu thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm tại Séc, đặt chi nhánh và văn phòng đại diện tại nước này nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác. Thương vụ Việt Nam tại Séc mong muốn sự chỉ đạo, tạo điều kiện cụ thể hơn của Bộ Công thương thông qua chương trình xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong việc triển khai chương trình, đề án tại Séc trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Mặt khác tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư của Cộng hòa Séc vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam.