Thực hiện Chương trình OCOP Hà Nội

Kết nối giao thương

- Thứ Năm, 29/04/2021, 06:59 - Chia sẻ
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều làng nghề ở Hà Nội bị đình trệ. Nhằm kích thích tiêu thụ nội địa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đã tổ chức hội thảo nhằm kết nối các sản phẩm làng nghề truyền thống đặc sắc và sản phẩm OCOP tiêu biểu với các hệ thống siêu thị, đơn vị kinh doanh nông sản, thực phẩm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó

Thành phố hiện có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị. Trong đó, có 12 làng được công nhân danh hiệu làng nghề, 301 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Các sản phẩm của làng nghề của Thủ đô đa dạng nhiều về chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Một số sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: May mặc; gốm sứ; dệt và thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng… Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Công tác phát triển làng nghề luôn được thành phố quan tâm, đầu tư. Sở đã tham mưu thành phố ban hành nhiều quyết định liên quan đến mức hỗ trợ kinh phí khi công nhận danh hiệu làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống Hà Nội. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục tham mưu xây dựng một số chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn thuộc thẩm quyền của UBND thành phố như: Hỗ trợ mặt bằng sản xuất, máy móc, thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng, truyền nghề, nhân cấy nghề, bảo tồn, hỗ trợ phát triển làng nghề… Về công tác đào tạo nhân lực, đã tổ chức 60 lớp tập huấn cho 2.400 học viên là lao động, chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề thuộc 10 huyện, thị; phối hợp với các huyện, thị tổ chức 100 chuyến kiểm tra, giám sát đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại 11 huyện, thị…

	Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các chủ thể và đơn vị phân phối
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các chủ thể và đơn vị phân phối

Đối với việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận 1.054 sản phẩm (vượt kế hoạch). Trong đó, có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%) của 72 doanh nghiệp, 82 HTX và 101 hộ sản xuất kinh doanh. Trong tổng số 1.054 sản phẩm OCOP được công nhận có: 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,6%); đồ uống 30 sản phẩm (chiếm 2,8%), thảo dược 7 sản phẩm (chiếm 0,7%); vải, may mặc 27 sản phẩm (chiếm 2,6%); 299 sản phẩm sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí (chiếm 28,4%)... Bên cạnh đó, cũng đã tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền nhằm tăng cường kết nối, tiêu thụ với các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn...

Năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh của nhiều làng nghề Hà Nội bị đình trệ, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa, du lịch làng nghề. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ: Hầu hết đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm… Số lao động nghỉ việc và không lương tăng cao, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề giảm mạnh... Với mong muốn kích thích tiêu thụ nội địa, Sở đã tổ chức hội thảo nhằm kết nối các sản phẩm làng nghề truyền thống đặc sắc và sản phẩm OCOP tiêu biểu của các nghệ nhân, chủ thể OCOP với các hệ thống siêu thị, đơn vị kinh doanh, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… Thông qua việc kết nối giao thương, các sản phẩm của các làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP kỳ vọng sẽ được định vị trong tâm trí của người tiêu dùng, giúp du khách trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.

Chủ động kết nối, định hướng sản xuất

Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất) Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: Cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện chiếm 70,2% là tiểu thủ công nghiệp với nghề chính là nghề mộc; thương mại dịch vụ chiếm hơn 23,2%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,6%. Bà Thanh mong muốn, cùng với phát triển các lĩnh vực có thế mạnh, trên địa bàn sẽ thêm những doanh nghiệp, đơn vị sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao và có đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, kiến nghị TP Hà Nội, huyện Thạch Thất quan tâm hơn đối với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. 

		Các sản phẩm OCOP tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm
Các sản phẩm OCOP tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Trung Thành (thành viên sáng lập gốm Gia tộc Việt) chia sẻ: Sản phẩm công ty gắn với mỗi câu chuyện về văn hóa, người mua không chỉ đơn thuần mua sản phẩm gốm mà cả giá trị văn hóa ẩn trong mỗi sản phẩm. Nhìn rộng ra, có rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ, nông nghiệp của Hà Nội có thể xây dựng được được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng thông qua các câu chuyện khởi tạo hoặc liên quan đến sản phẩm. Vì vậy, cần nghĩ đến việc gắn những câu chuyện vào sản phẩm, để tạo nét đặc trưng, gia tăng giá trị. Thời gian tới, TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan có thể tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm đối với vấn đề này. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giúp người tiêu dùng hiểu được mình không chỉ mua sản phẩm thông thường mà còn nhận về nhiều hơn từ giá trị nhân văn, giá trị dân tộc, tính đặc trưng của vùng miền và tâm huyết trong quá trình xây dựng sản phẩm đó.  

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho rằng: Các chủ thể cần duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được thành phố công nhận. Tích cực tìm thị trường gắn với nhu cầu tiêu thụ: Thị trường trong nước thông qua hệ thống của hàng bán sản phẩm OCOP, chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm, tại siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Thị trường xuất khẩu thông qua chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, hội nghị hội thảo kết nối giao thương.

Về phía TP Hà Nội, sẽ hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các làng nghề, làng có nghề để bảo hộ thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với công tác quản lý và chợ thương mại điện tử để bắt kịp với xu hướng thương mại trên thế giới. Trước các yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, liên minh HTX thành phố cần hướng dẫn các chủ thể, người nông dân trong việc thành lập các HTX để có đầu mối bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, thành phố sẽ phát triển 60 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn để tăng cường kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Khánh Duy