Kết nối di tích và công chúng

- Thứ Bảy, 02/10/2021, 06:41 - Chia sẻ
Xu hướng ứng dụng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và dịch Covid-19 là tác nhân thúc đẩy nhanh hơn quá trình này trong giới thiệu, phát huy giá trị của di tích, thu hút sự chú ý của công chúng với di sản. Chuyển đổi số là cơ hội, cũng là đòi hỏi của thực tế với điểm tham quan hiện nay.

Du lịch thông minh gắn với quảng bá di tích

Thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đóng cửa. Không đón khách du lịch, tuy nhiên, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn tìm cách kết nối, đưa di tích đến với công chúng qua internet.

	Ứng dụng thuyết minh hướng dẫn tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long -Nguồn Vtr.org.vn
Ứng dụng thuyết minh hướng dẫn tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long 
Nguồn Vtr.org.vn

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, từ khi tạm ngừng đón khách thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị tập trung đào tạo lại nhân lực, đồng thời nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu quảng bá giá trị di tích. Trung tâm xây dựng đề án phát triển du lịch thông minh gắn với bảo tồn di tích. Theo đó, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu 3D, số hóa thông tin di tích, hệ thống bia Tiến sĩ, cây xanh cùng các công trình kiến trúc khác. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lâu dài là bảo tồn nhưng cũng là cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch. Công nghệ này không những góp phần lan tỏa giá trị di sản mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại trong tương lai.

Trong xu thế phát triển của công nghệ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng đã xây dựng ứng dụng (app) du lịch giới thiệu các điểm tham quan, khu di tích và hiện vật nhằm giúp du khách chủ động tiếp cận thông tin. Theo đó, phần mềm ứng dụng tham quan trên điện thoại di động đã được đưa vào sử dụng, cung cấp cho người xem hình ảnh minh họa, nội dung hướng dẫn tham quan dưới dạng video, có thể xem mọi nơi, mọi lúc. Không đơn thuần là công cụ hướng dẫn thuyết minh tại chỗ, ứng dụng trở thành phương tiện quảng bá du lịch và giáo dục lịch sử của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long...

Không chỉ với các di tích tại Hà Nội, để quảng bá các giá trị di sản văn hóa cố đô và phát triển du lịch, Thừa Thiên Huế đang định hướng phát triển các loại hình du lịch thông minh; hoàn thiện, nâng cao chất lượng cũng như hình thức nội dung thuyết minh di sản; ứng dụng công nghệ mới trong giới thiệu quảng bá di sản, văn hóa, các tour tuyến du lịch; tạo ra các sản phẩm du lịch mới mang tính hấp dẫn, đặc thù; kết nối mạng lưới du lịch quốc gia và quốc tế...

Nhiều di tích tại các tỉnh, thành phố khác cũng đã và đang lên kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ nhằm bảo tồn, giới thiệu di sản. Ngoài sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, số hóa di sản, nhiều di tích tích hợp công nghệ tham quan trực tuyến 3D, tăng cường hình thức triển lãm, giới thiệu online tại website và quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội... nhằm đa dạng hình thức tiếp cận của công chúng.

"Phá bỏ tường rào" di sản

Tại tọa đàm “Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt” mới đây, ông Trương Quốc Toàn, cố vấn các hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho rằng, 2 xu hướng đang tác động rõ rệt đến lĩnh vực phát huy giá trị di sản, phục vụ du lịch văn hóa. Thứ nhất là số hóa du lịch di sản - smartphone thay thế máy ảnh du lịch, sắp tới thay thế luôn ví tiền và các thiết bị hướng dẫn thuyết minh tự động theo hình thức audio guide. Thứ hai là tham quan theo nhóm nhỏ, cá nhân hóa, du khách sẽ tự tổ chức chuyến tham quan của mình dựa trên các dịch vụ trực tuyến. Xu hướng này sẽ ngày càng tăng trong giai đoạn hậu Covid-19, khi mọi người chấp nhận sống chung với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới. Bởi vậy, các di tích cần có sự chuẩn bị để đưa ra dịch vụ hướng dẫn tham quan, trải nghiệm phù hợp.

Số hóa trong lĩnh vực du lịch di sản văn hóa được các nhà chuyên môn cho là quá trình tất yếu, không thể đảo ngược. Bởi công nghệ hỗ trợ và giúp cho trải nghiệm của du khách trong quá trình tham quan, khám phá di sản trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, điều này cũng tạo áp lực cho khu di sản, các điểm tham quan phải thay đổi, chuyển mình. Theo ông Toàn, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay, yêu cầu đặt ra là các điểm tham quan du lịch, các điểm di sản sẽ phải có tư duy rộng mở hơn, “phá bỏ tường rào” trong tư tưởng, quan niệm.

Lâu nay nhiều người nghĩ rằng, muốn thực hiện số hóa trong lĩnh vực du lịch di sản chỉ cần có công nghệ tốt. Tuy nhiên, ông Trương Quốc Toàn nhận định, ứng dụng công nghệ trong di tích và tham quan di sản chỉ chiếm 30% yếu tố làm nên thành công, 70% còn lại phụ thuộc vào nội dung, cách thức trình bày, thể hiện. Bởi vậy, các nhà quản lý di tích đang đón khách tham quan cần đầu tư vào ứng dụng công nghệ và cả nội dung, để có thể cung cấp thông tin cho du khách trước khi họ đến, trong và sau khi tham quan di tích. Nếu kết nối thành công, mang lại những trải nghiệm đặc biệt, du khách có thể sẽ không chỉ đến một lần, mà còn mong muốn tiếp tục quay lại, thậm chí trở thành những người bạn của di tích.

Thảo Nguyên