Kết nối di sản tranh dân gian

Lê Thủy thực hiện 29/01/2016 08:03

Trong năm qua, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - chủ nhân Bảo tàng tư nhân Gốm sứ Hà Nội và đồng nghiệp đã đi dọc đất nước sưu tầm, khảo cứu, nhằm có cái nhìn khái quát về di sản tranh dân gian Việt Nam. Ngày 29.1, một phần kết quả hành trình sưu tầm, khảo cứu sẽ được giới thiệu tới công chúng tại Hà Nội. Dưới đây là chia sẻ của nhà sưu tầm NGUYỄN THỊ THU HÒA với PV Báo ĐBND xung quanh sự kiện này.

Mộc bản Làng Sình Ảnh: Lê Bích
Mộc bản Làng Sình Ảnh: Lê Bích

- Sưu tập của chị nhằm kết nối và tạo ra sự xuyên suốt giữa các dòng tranh dân gian tại ba miền Bắc - Trung - Nam?

- Đúng vậy. Sưu tập của tôi có khoảng 800 tranh, bản mộc của các dòng tranh dân gian nổi tiếng Việt Nam, trải dài đất nước. Một phần trong số đó sẽ được giới thiệu trong triển lãm Nét Xuân 2016 - Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam, khai mạc vào 18h ngày 29.1, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội, với khoảng 200 tài liệu, hiện vật mộc bản, tranh vẽ tiêu biểu. Triển lãm còn trưng bày tư liệu phim, ảnh về nghệ nhân và các làng nghề, dòng tranh dân gian, trình diễn trải nghiệm kỹ thuật in, vẽ tranh Đông Hồ và Hàng Trống.

Thường trong các triển lãm về tranh dân gian tại Hà Nội hay có tranh Kim Hoàng, Đông Hồ và Hàng Trống của miền Bắc, ở triển lãm này, tôi đưa đến cả hương vị miền Trung và miền Nam, với tranh dân gian Làng Sình (Thừa Thiên Huế) và tranh kiếng (kính) Nam Bộ. Hy vọng triển lãm giúp mọi người hiểu và trân trọng di sản tranh dân gian Việt Nam.

- Quá trình chị sưu tập và khảo cứu các dòng tranh này ra sao?

- Chúng tôi sưu tầm tranh trong khoảng một năm qua, gặp các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa, đến các vùng đất tìm hiểu. Nếu chỉ là tranh thì nhiều nhà sưu tập có, nhưng chúng tôi còn thu thập tư liệu để làm nổi bật khía cạnh văn hóa, truyền giá trị ấy cho mọi người.

- Trong số 5 dòng tranh trên, đáng tiếc là làng tranh Kim Hoàng hiện không còn...

- Làng Kim Hoàng thuộc xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, năm 1915 vỡ đê, đã cuốn trôi hết ván khắc của làng tranh Kim Hoàng. Đến năm 1945, tranh Kim Hoàng đã tuyệt diệt. Hiện nay, ở làng chỉ còn một bà cụ nhớ rằng trước đây đi bán tranh Kim Hoàng, vào năm 1947, nhưng chỉ bán được một vài phiên rồi không bán được nữa. Đó là điều đáng buồn, vì tranh Kim Hoàng có đặc điểm khác hẳn. Tranh Đông Hồ đặc trưng bởi kỹ thuật dùng bản mộc in lên giấy dó - quét điệp, từ màu vẽ tới bản nét với kích thước bản in nhỏ thường kích cỡ A4. Ngược lại, tranh Hàng Trống dùng bản khắc (thường kích thước lớn, có thể tương đương A0) đi nét, sau đó mới vờn màu. Tranh Kim Hoàng được in trên giấy màu điều, có bản khắc nét và vờn màu, nhưng đơn giản hơn, thanh mảnh hơn và dùng ít màu hơn, gần gũi với cuộc sống đời thường của người Việt.

Hiện nay, tranh Kim Hoàng chỉ còn 2 bản mộc ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có lẽ chưa phải là bản gốc. Trong quá trình tìm hiểu về tranh dân gian, dựa trên những tư liệu về tranh Kim Hoàng của nước ngoài, tôi đã nhờ nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (làng Đông Hồ) và họa sĩ Nguyễn Đức Hòa thực hiện một số bản tranh Kim Hoàng. Mỗi bản khắc mất 1 tháng, và phải qua bàn tay của các nghệ nhân mới lên được chất dân gian của tranh; hơn nữa, tất cả chữ trên tranh đều là chữ Hán, khi thể hiện rất cẩn trọng để không mất nét, sai chữ...

Tranh Hàng Trống Ảnh: Lê Bích
Tranh Hàng Trống Ảnh: Lê Bích

- Với các dòng tranh khác, việc sưu tầm, khảo cứu có dễ dàng hơn không?

- Với tranh Hàng Trống, tôi đặt nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ 6 tháng được 30 bức, 20 bức tôi mua lại của một người từng tổ chức triển lãm tranh dân gian tại Nhật. Ngoài tranh còn có các ván khắc. Đất nước trải qua nhiều biến cố lịch sử, nghệ nhân Lê Đình Nghiên có khoảng 30 ván khắc tranh Hàng Trống, và nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tranh làng Sình có khoảng 30 bản khắc, hầu hết là bản mới.

Tại Pháp có giữ được gần 1.000 mẫu tranh dân gian và trong sách họ làm về văn hóa Việt có 3 dòng tranh chủ yếu là Kim Hoàng, Hàng Trống và Đông Hồ, có những mẫu mà hiện nay ở Việt Nam cũng bị thất lạc, và các nghệ nhân khi muốn phục dựng phải dựa vào tư liệu của Pháp.

- Qua nghiên cứu, chị đánh giá thế nào về hiện trạng các dòng tranh dân gian Việt Nam?

- Trong số các dòng tranh trên, chỉ tranh Đông Hồ được nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế làm một cách quy mô, công ty có khoảng 10 lao động, làng nghề có thể nói sống được. Còn các dòng tranh khác thường chỉ một người sản xuất hoặc theo quy mô gia đình, không thể phát triển.

Khi sưu tầm, tôi nhận thấy, các nghệ nhân rất yêu nghề. Họ đang tự tìm đường để tranh dân gian không bị mai một.

- Xin cảm ơn chị!

Nhiếp ảnh gia LÊ BÍCH: Tôi được chị Nguyễn Thị Thu Hòa mời tham gia tìm lại dấu mốc của 5 dòng tranh dân gian Việt Nam. Trong 5 dòng tranh, tranh Kim Hoàng đã thất truyền, tranh Đồng Hồ phát triển mạnh hơn, các dòng tranh còn lại hoạt động cầm chừng. Tôi nhớ mãi thời khắc được xem ván khắc cổ của làng Sình, trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nghệ nhân đã bọc nilon chôn dưới đất, khi văn hóa phục hưng, họ công bố cho mọi người xem 20 bản mộc. Khi ấy, thời huy hoàng của dòng tranh dân gian như trở lại trong tôi, với những nét tươi hồng, đường cong mềm mại, đề tài gần gũi, nét tranh hồn nhiên không thể trộn lẫn.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kết nối di sản tranh dân gian
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO