Kết nối 30% dịch vụ công trực tuyến vào Cổng Dịch vụ công quốc gia vào cuối năm 2020

- Thứ Ba, 17/11/2020, 09:17 - Chia sẻ
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng tại buổi làm việc với 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên về tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình xây dựng Chính phủ điện tử tại các địa phương này.

5 tỉnh hiện đã liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Từ đó tập trung hết sức cho cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh được thực hiện mạnh mẽ, hiện đã cắt giảm 3.894/6.191 điều kiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với UBND 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đối với nhiệm vụ cải cách, xây dựng Chính phủ điện tử, trong giai đoạn 2018-2020, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì triển khai xây dựng và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới lề lối làm việc trong cơ quan Nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh...

Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng 5 địa phương khu vực Tây Nguyên đã tích cực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách TTHC, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Hiện nay, Lâm Đồng là tỉnh đang cải cách mạnh mẽ, tuy nhiên Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị thời gian tiếp theo 5 địa phương áp dụng chữ ký số vào quá trình giải quyết hồ sơ điện tử.

Nhấn mạnh, 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên là địa phương có địa giới hành chính rộng, vì vậy, việc người dân đến các trung tâm hành chính tại địa phương còn khó khăn, tốn kém, mất thời gian đi lại, Tổ trưởng Tổ công tác mong muốn 5 địa phương đẩy mạnh kết nối, đưa dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính không phụ thuộc thời gian, địa giới hành chính.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), đến nay có 5/5 tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đã liên thông gửi, nhận văn bản điện tử cả 4 cấp hành chính trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như Lâm Đồng tăng 5 lần, Đắk Lắk tăng 2,5 lần, Kon Tum và Gia Lai tăng 2 lần, còn Đắk Nông có số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục còn thấp. Một số tỉnh đạt tỉ lệ cao về gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật) như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum.

Các tỉnh đều đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Một số tỉnh có số lượng xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử nhiều như Kon Tum (95% cấp tỉnh, 85% cấp huyện, 70% cấp xã), Đắk Lắk (100% cấp tỉnh, 60% cấp huyện, 30% cấp xã). Đắk Lắk và Kon Tum đã áp dụng chữ ký số cá nhân của lãnh đạo tỉnh trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử. Ngoài ra, các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái và kết quả xử lý hồ sơ.

Lâm Đồng, Kon Tum là 2 tỉnh đã triển khai tốt việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia lần lượt là 173 và 204 dịch vụ công. Tuy nhiên, các tỉnh còn lại đều rất chậm, số lượng rất ít như Gia Lai (7 dịch vụ công), Đắk Nông (7 dịch vụ công), Đắk Lắk (70 dịch vụ công).

Tuy vậy, theo nhận định của ông Ngô Hải Phan, với tiến độ triển khai như hiện nay sẽ khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ đặt ra trong năm 2020 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Đẩy mạnh kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia

Trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử, các địa phương cũng phản ánh một số khó khăn, đó là một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử tại cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, nhận thức về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng CNTT ở một số bộ phận người dân vẫn còn hạn chế.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng khảo sát Trung tâm hành chính công tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đại diện tỉnh Đắk Nông cho rằng, các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm và chưa triển khai triệt để từ Trung ương tới địa phương để tạo nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu gây ra nhiều khó khăn trong quá trình truy vấn sử dụng chung tài nguyên thông tin.

Để tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, ông Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành để đẩy nhanh triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia; tích hợp, chia sẻ các dữ liệu để địa phương khai thác, sử dụng phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử.

Về thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông đề nghị, nên quy định rõ lộ trình thực hiện, trong đó ưu tiên các địa phương có kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao, đối với các địa phương còn khó khăn, trình độ dân trí thấp căn cứ vào tình hình, đặc thù của từng địa phương để triển khai, nhằm giảm lãng phí do không phát sinh hồ sơ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Đắk Lắk đề nghị nghị Văn phòng Chính phủ sớm triển khai Hệ thống e-Cabinet xuống địa phương; hướng dẫn việc triển khai xây dựng đô thị thông minh.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nhận xét, cả 5 địa phương đã hoàn thành các nhiệm vụ, không có địa phương nào có nhiệm vụ bị quá hạn. Bộ trưởng cũng đề nghị 5 địa phương tiếp tục các nhiệm vụ, xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể là ứng dụng CNTT để tạo ra các cải cách thực chất; chính quyền với chính quyền và chính quyền với cán bộ công chức, các địa phương quan tâm đến gửi nhận văn bản điện tử. 5 địa phương thống nhất, đẩy mạnh phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ và các đơn vị liên quan để đến ngày 30.11 hoàn thành việc ký số tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

“5 địa phương phải kết nối mạnh mẽ với Trục liên thông văn bản quốc gia, hoàn thành trước 30.11.2020”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu. Cùng với đó, chọn dịch vụ người dân, doanh nghiệp cần nhất thực hiện kết nối trước, quyết tâm hoàn thành kết nối 30% dịch vụ công vào Cổng Dịch vụ công quốc gia vào cuối năm 2020.

Song Hà