Giảm tai nạn lao động tại các công trình xây dựng

Kết hợp kiểm tra và tuyên truyền pháp luật

- Thứ Năm, 15/04/2021, 18:16 - Chia sẻ
"Tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại công trường xây dựng” là chủ đề của thanh tra trong lĩnh vực lao động vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai với mục tiêu giảm số vụ tai nạn lao động chết người xuống khoảng 15%.

600 công trình xây dựng vào “tầm ngắm”

Xây dựng luôn xếp ở vị trí cao nhất trong những lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động và đứng đầu trong các lĩnh vực có số người chết do bị tai nạn lao động chết người. Chính vì vậy, từ năm 2016 Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực xây dựng với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn” đã được triển khai. Nhờ đó, góp phần kéo giảm số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết do tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, những năm gần đây, hiệu ứng tích cực từ Chiến dịch thanh tra năm 2016 có biểu hiện giảm, tình hình tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong các hoạt động thi công tại công trường dự án có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp, các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại công trường xây dựng thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, năm 2021 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục chọn xây dựng là lĩnh vực thực hiện Thanh tra.

Tai nạn lao động luôn rình rập
Nguồn ITN

Trong các năm từ 2017 đến năm 2020, tình hình tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong các hoạt động thi công tại công trường dự án lại có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn, các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại công trường xây dựng thường xuyên xảy ra

Thời gian qua đã xảy ra một số sự cố nghiêm trọng có liên quan đến máy, thiết bị sử dụng trong thi công xây dựng như: Sự cố gẫy sàn treo nâng người tại công trình số 16 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, tháng 7.2020; sự cố rơi máy vận thăng tại công trình Trụ sở làm việc Sở Tài chính Nghệ An, Đại lộ Lê-Nin, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, tháng 1.2021; sự cố liên quan đến máy ép cọc tại xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, tháng 1.2021… Các sự cố trên không những gây thiệt hại về người, tài sản, còn gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động và người dân đang sinh sống hoặc tham gia giao thông gần các công trình đang thi công xây dựng. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương giai đoạn từ 2016 đến nay, trung bình mỗi năm có 8.271 vụ tai nạn lao động, với 8.495 người bị nạn, trong đó 899 vụ tai nạn lao động chết người với 951 người bị chết vì tai nạn lao động.

Phó Chánh thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Hữu Long cho biết, năm 2021, Chiến dịch thanh tra lao động được triển khai trên 63 tỉnh với sự tham gia của đại diện người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và các cơ quan thanh tra lao động trong cả nước. Nội dung thanh tra bao gồm: Giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; thời gian làm việc, nghỉ ngơi và tiền lương; bảo hiểm xã hội; quy định về an toàn vệ sinh lao động; an toàn xây dựng. Đặc biệt, để giám sát hoạt động thanh tra, tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp nhận phản ánh, đánh giá của người lao động, doanh nghiệp thông qua ba kênh: Hộp thư điện tử; phiếu đánh giá và giám sát thanh tra. Nếu phát hiện có tiêu cực, bất cập sẽ kiến nghị thay thanh tra khác”. 

Cần nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn lao động
Nguồn ITN

Vô tư bỏ qua quy chuẩn 

Đánh giá lĩnh vực mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lựa chọn, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là việc làm cần thiết bởi hiện nay lĩnh vực xây dựng vẫn luôn là lĩnh vực để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào thanh tra đột xuất, thanh tra theo giai đoạn thì rất khó có thể góp phần giảm thiểu được thực trạng mất an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng. Nhất là trong bối cảnh lực lượng thanh tra trong ngành lao động rất mỏng, chỉ khoảng hơn 400 người trên cả nước. 

Phân viện trưởng Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường phía Nam Trịnh Hồng Lân nêu thực tế, “Nhiều người làm công tác an toàn vệ sinh lao động ở doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định của pháp luật cũng như kiến thức về an toàn vệ sinh lao động để tham mưu, đề xuất chủ doanh nghiệp thực hiện. Do đó, cần phải chú trọng nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp...”. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay công tác thanh tra, xử lý các vi phạm về an toàn lao động còn chưa nghiêm, chế tài chưa đủ sức răn đe, số doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh lao động hàng năm còn ít, chủ yếu là lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra chung về thực hiện pháp luật lao động… nên chưa đảm bảo tính chuyên sâu về kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hiện nay các quy định pháp luât cũng như chế tài pháp luật khá đầy đủ và chặt chẽ. Tuy nhiên, số vụ vi phạm an toàn lao động vẫn gia tăng do chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp chưa thật sự coi trọng công tác an toàn vệ sinh lao động. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt chưa thật nghiêm, chỉ khi xảy ra sự việc nghiêm trọng mới xử phạt. Chính vì vậy, các doanh nghiệp vẫn vô tư bỏ qua những quy chuẩn về an toàn trong thi công. “Việc nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro, phòng ngừa các nguy cơ… là một trong những biện pháp giúp nâng cao điều kiện an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Để làm được việc này cần tăng cường kiểm tra, giám sát kết hợp với tuyên truyền, mở các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho chủ sử dụng lao động cũng như người lao động. Chỉ khi thực hiện đồng bộ những giải pháp này mới có thể hạn chế được tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng” – Luật sư Ngô Anh Tuấn đề xuất.

Thái Yến