Kéo pháo ở Điện Biên Phủ trong tranh Dương Hướng Minh

Hương Sen 08/05/2014 08:37

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là đề tài trong nhiều sáng tác của các họa sỹ - chiến sỹ. Trong đó không thể không kể đến 2 tác phẩm của cố họa sỹ Dương Hướng Minh: Kéo pháo ở Điện Biên Phủ và Chèn pháo.

Họa sỹ Dương Hướng Minh (1919 - 2008), tên thật là Nguyễn Văn Tiếp, xuất thân trong một gia đình nho học yêu nước tại xã Xuân Dục, Mỹ Hào, Hưng Yên. Năm 1938, Dương Hướng Minh thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tốt nghiệp năm 1943, ông hoạt động nghệ thuật tự do. Những năm 1945 - 1954, ông trực tiếp tham gia chiến đấu trong lực lượng biệt động nội thành, rồi chuyển sang quân đội tại đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 12.1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chủ công bảo vệ khu tập kết Đồng Tháp Mười, ông tập kết ra Bắc trên chuyến tàu cuối cùng của Ba Lan. Trong chuyến chuyển quân này, một số cán bộ, chiến sỹ phát hiện người lính Dương Hướng Minh chính là họa sỹ Nguyễn Văn Tiếp - cựu sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Vậy là chỉ mấy ngày sau ông được lệnh về công tác tại Tổng cục Chính trị. Kể từ đó, họa sỹ Dương Hướng Minh lại có điều kiện cầm cọ vẽ, và cho ra đời tác phẩm đầu tiên là Kéo pháo ở Điện Biên Phủ, khổ 100cm x 200cm.

Kéo pháo ở Điện Biên Phủ, 1957 Sơn mài của Dương Hướng Minh
Kéo pháo ở Điện Biên Phủ, 1957          Sơn mài của Dương Hướng Minh

Theo lời kể của họa sỹ Dương Hướng Nam, con trai cố họa sỹ Dương Hướng Minh, đầu năm 1957, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho 2 trung đoàn bộ đội hành quân lên Xuân Mai để tạo dựng bối cảnh kéo pháo vào trận địa. Không được chứng kiến cảnh kéo pháo giữa chiến trường ác liệt Điện Biên Phủ, để thực hiện tác phẩm, họa sỹ Dương Hướng Minh phải dành khá nhiều thời gian thâm nhập thực tế tại các binh chủng pháo 351 và 367, ghi chép, ký họa, nghiên cứu. Kéo pháo ở Điện Biên Phủ được các nhà phê bình đánh giá “xuất sắc không chỉ bởi tính chất tuyên ngôn và tính chính luận cao cả của chủ đề, mà còn bởi tính sử thi chiến đấu oai hùng và sâu lắng, là hiện thân của mục tiêu kiên định, ý chí đấu tranh, sức mạnh đoàn kết, khí phách và chính nghĩa Việt Nam”.

Nhà phê bình mỹ thuật, họa sỹ Nguyễn Quang Việt từng nhận xét: qua tác phẩm sơn mài Kéo pháo ở Điện Biên Phủ, nghệ thuật thực của Dương Hướng Minh quả tình mới tạo ra được dấu ấn quan trọng nhất, khi mà trong đó, những tư tưởng và phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đương thời đã được ông tiếp thu và thể hiện hoàn toàn thích hợp, thay vì một tính hiện thực vốn dĩ là tự phát ở các thời kỳ nghệ thuật của ông trước đó. Tác phẩm có bố cục chặt chẽ, hình chắc, khỏe, màu sắc nóng nhưng hài hòa. Điều đáng ghi nhận ở tác phẩm là khả năng, trình độ xử lý kỹ thuật sơn mài của tác giả. Đây là một trong những tác phẩm đẹp của mỹ thuật Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng.

Kéo pháo ở Điện Biên Phủ đã đoạt Giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc năm 1958, thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từng tham dự Triển lãm Mỹ thuật các nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Thủ đô Moscow (Nga) năm 1959, sau đó triển lãm tại 8 nước Đông Âu trong 2 năm 1960 - 1961; được chuyển thể thành tranh thêu để lãnh đạo Đảng và Nhà nước tặng Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Kéo pháo ở Điện Biên Phủ cũng được tái dựng để Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Quốc phòng và toàn dân, chúc thọ Bác Hồ nhân dịp sinh nhật Người năm 1959.

Sau thành công của Kéo pháo ở Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị: “Nhân đà này họa sỹ Dương Hướng Minh làm tiếp tác phẩm về Điện Biên, về một anh hùng cụ thể”. Và tác phẩm Chèn pháo ra đời năm 1960. Khi đó, họa sỹ Lê Vinh đã có tác phẩm Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng (tranh in), họa sỹ Phạm Thanh Tâm cũng có một số bức ký họa về những tấm gương anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ... Qua lời kể của anh em, họa sỹ Dương Hướng Minh đã ghi chép cách xử lý thông minh của anh hùng Tô Vĩnh Diện khi lấy vai hất bánh xe cho pháo lao về phía núi khỏi rớt xuống vực...

Cố họa sỹ Dương Hướng Minh từng nói với con trai: “Bố chỉ có nguyện vọng làm 1 - 2 tác phẩm để đời”. Nguyện vọng ấy đã trở thành hiện thực khi bức sơn mài Chèn pháo tiếp tục đoạt Giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc năm 1960. Năm 2012, với 2 tác phẩm Kéo pháo ở Điện Biên PhủChèn pháo, họa sỹ Dương Hướng Minh được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kéo pháo ở Điện Biên Phủ trong tranh Dương Hướng Minh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO