Kẻ thù bên trong
Khi một tổ chức đấu tranh để tự thanh minh, đó chính là lúc nó đang phải tìm một nguyên nhân hợp lý hóa sự tồn tại lâu hơn mục đích ban đầu. NATO, với tư cách là một liên minh quân sự tồn tại lâu nhất thế giới, đang ở trong hoàn cảnh như vậy. Họ đã dành một năm để suy nghĩ lại về nhiệm vụ của mình nhưng điều đó không đủ để đảm bảo tương lai cho tổ chức này.

Trong 40 năm đầu tiên, NATO dường như không phải lo lắng về sự tồn tại của mình. Nhưng trong hai thập kỷ vừa qua, liên minh này đã trải qua thời kỳ khó khăn hơn. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, một số người cho rằng NATO nên giải thể và trở thành một câu chuyện trong sách lịch sử. Nhưng thay vì đi theo con đường đó, liên minh lại không ngừng mở rộng, lên tới 28 thành viên và tham gia các cuộc chiến ở Balkan. Có vẻ như mục tiêu mà tổ chức đề ra từ thời kỳ chiến tranh Lạnh đã chuyển sang một hướng khác.
Vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11.9.2001 dường như là một lời mời dành riêng cho NATO để hướng sang một vai trò hoàn toàn mới. Liên minh này bắt đầu được quảng bá như là một lực lượng cảnh sát toàn cầu. Ngoài ra, còn có một sự thay đổi lớn khác so với năm 1999 – thời điểm mà NATO bắt đầu nhận thấy vai trò của mình đang đi xuống. Nước Nga ngày càng trở nên giàu có và quyết đoán hơn. Các nước phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ… đã gia nhập hàng ngũ các nước lớn trên thế giới. Điều đó đã làm thay đổi hình thái địa chính trị thế giới. NATO với tư cách là một tổ chức liên minh xuyên Đại Tây Dương dường như đã không còn thích hợp với thế kỷ mới, hứa hẹn thuộc về Thái Bình Dương.
Tiếp đó là vấn đề ở Afghanistan. Lúc đầu, lựa chọn duy nhất của NATO là chiến thắng. Nhưng không quá lâu sau khi các nhà hoạch định chính sách của tổ chức này tuyên bố cuộc chiến chống lại lực lượng Taleban ở Afghanistan sẽ được coi như một bài kiểm tra sự tồn tại của NATO, liên minh giờ đây phải đặt mục tiêu rút quân mà không dám thừa nhận thất bại.
Hiện tại, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đang dự định đưa ra dự thảo khái niệm chiến lược mới cho NATO nhằm bắt kịp với những thay đổi của thời đại. Sau những cuộc mặc cả ngoại giao như thường thấy, các lãnh đạo của NATO đang tiến tới việc thông qua lần cuối bản dự thảo sẽ được đưa ra tại Hội nghị Lisbon vào tháng 11 tới đây. Bản dự thảo của ông Radmussen được cho là một văn bản mạnh mẽ hơn so với người tiền nhiệm. Ông đã cắt giảm danh sách các ưu tiên nhằm quản lý tốt hơn và cảnh báo những câu chữ chỉ có ý nghĩa nếu được sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, mối nguy hiểm thực sự cho liên minh lại đến từ chính nội bộ của tổ chức này. Một vài quốc gia của lục địa già dường như quá ỷ lại vì những cam kết bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một thành viên của NATO bị tấn công. Điều đó lý giải cho việc châu Âu miễn cưỡng chi tiền cho chi phí quốc phòng cho riêng mình, trong khi nước Anh thậm chí còn từ chối cam kết của NATO về việc gia tăng chi tiêu quân sự lên hơn 2% tổng thu nhập quốc gia. Còn Mỹ thì ngày càng thờ ơ hơn với liên minh khi những gì Washington nhìn thấy chỉ là những đồng minh “vô dụng”.
Một nhóm các chuyên gia cao cấp đứng đầu là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Madeleine Albright, đã được mời để viết một báo cáo về tương lai của liên minh. Và một câu nổi bật trong số đó : “Các mối đe dọa đến lợi ích của liên minh đến từ bên ngoài nhưng chính sức sống của tổ chức có thể làm cho liên minh dễ dàng sụp đổ từ bên trong”.
NATO là liên minh nền tảng cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, biểu hiện của mối đoàn kết giữa châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng ít bằng chứng cho thấy tình đoàn kết đó đang được gắn kết chặt hơn khi những giải pháp cho các vấn đề chung của hai bên rất khó chia sẻ. NATO có thể sẽ không sụp đổ nhưng trong trường hợp thiếu đi ý chí chính trị, thì dù có bao nhiêu tuyên bố về những nhiệm vụ mới cũng sẽ không giúp liên minh này đảm bảo tương lai cho mình.