Kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump đối mặt với nhiều trở ngại
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề ra 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối với nhiều quốc gia nhưng các rào cản chính trị và pháp lý đang ngày càng làm phức tạp quá trình đàm phán.
Kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thiết lập hàng loạt thỏa thuận thương mại song phương với các đối tác thân cận đang vấp phải nhiều khó khăn, khi thời hạn 90 ngày mà ông đặt ra đang dần trôi qua và chỉ còn hơn một tháng nữa là tới thời hạn chót.

với nhiều trở ngại. Ảnh: EPA, AAP, SBS
Một số trở ngại đến từ chính sách của Tổng thống Donald Trump, như việc đe dọa áp thuế mới với Liên minh châu Âu (EU) và nâng thuế nhập khẩu thép, nhôm. Ngoài ra, các phán quyết mới của tòa án Mỹ đang đặt dấu hỏi về quyền hạn của Tổng thống Mỹ trong việc áp đặt thuế, khiến chiến lược đàm phán thương mại của ông thêm phần bất ổn.
Tuần trước, ông Donald Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi thuế nhôm và thép, từ 25% lên 50%, bắt đầu từ ngày hôm nay 4/6. Động thái này được đưa ra sau khi ông cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận mà hai bên đã đạt được hồi đầu tháng trước tại Geneva, Thụy Sỹ.
Đáp lại, EU cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa hàng hóa Mỹ, trong khi Trung Quốc cáo buộc Mỹ phá vỡ thỏa thuận khi áp đặt các hạn chế mới lên chip máy tính.
Quá trình kéo dài và phức tạp
Theo các chuyên gia thương mại, không có gì bất ngờ khi các bên ngày càng công khai bất đồng quan điểm. “Đây sẽ là một quá trình kéo dài và nhiều khó khăn” - ông Warren Maruyama, nguyên cố vấn pháp lý trong Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush nhận định...
Việc tăng áp lực từ phía ông Trump cũng khiến quá trình đàm phán thêm phức tạp, đặc biệt khi các nước cảm thấy không rõ Mỹ thực sự muốn gì trong các thỏa thuận, hoặc liệu có thể tin tưởng vào sự nhất quán trong chính sách của Washington hay không.
Ông Alex Jacquez, cựu cố vấn tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Joe Biden cho biết: “Đây sẽ là thách thức đối với một số đối tác thương mại của Mỹ. Nhiều đối tác cảm thấy như đang đàm phán với nhiều sức ép và với một chính quyền không đáng tin cậy. Họ bước vào đàm phán và không biết Mỹ muốn gì, hoặc sẽ làm gì trong thời gian tạm thời”.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan, khẳng định họ đang tiến gần đến việc đạt được thêm một số thỏa thuận trong tháng tới. Theo Reuters, Nhà Trắng đang yêu cầu các nước gửi đề xuất thương mại tốt nhất bao gồm cả cam kết mua hàng hóa công nghiệp và nông sản Mỹ để đẩy nhanh tiến trình đàm phán.
Dù vậy, tính đến nay, sau 60 ngày kể từ khi Mỹ tạm dừng áp thuế, nước này mới chỉ đạt được một thỏa thuận sơ bộ chưa chính thức với Vương quốc Anh. Với các đối tác khác như Trung Quốc, EU và Nhật Bản, mâu thuẫn ngày càng trở nên rõ rệt.
Trung Quốc: Đàm phán tạm dừng, căng thẳng tiếp diễn
Tháng trước, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế đối với Trung Quốc trong 90 ngày, sau cuộc đàm phán tại Thụy Sỹ. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận khi đưa ra cảnh báo với doanh nghiệp về việc sử dụng chip Trung Quốc, đặc biệt là của Huawei.
Ông Trump tuần trước trong một bài đăng trên mạng xã hội đã cáo buộc Trung Quốc “phá vỡ hoàn toàn thỏa thuận” và không giải thích gì thêm. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng cáo buộc Trung Quốc “giữ lại các sản phẩm thiết yếu cho chuỗi cung ứng công nghiệp ở Ấn Độ và châu Âu", và cho rằng đây không phải hành vi của một đối tác đáng tin cậy.
EU: “Đàm” hay “đánh”?
Kể từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, Mỹ và EU đã rơi vào vòng xoáy trả đũa thương mại, với việc EU từng dọa áp thuế 50% lên rượu whisky Mỹ, còn ông Trump đáp trả bằng lời đe dọa thuế 200% với rượu vang châu Âu.
Dù hai bên đã bắt đầu đàm phán hồi tháng 4, ông Trump vẫn tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao. Ngày 23/5, đúng ngày hai bên chuẩn bị gặp tại Washington, ông bất ngờ đe dọa áp thuế 50% nếu EU “không nhanh chóng đạt được thỏa thuận".
Mặc dù sau đó ông Trump tạm lùi thời hạn đến 9/7, ông lại tiếp tục gây tranh cãi khi thông báo tăng thuế đối với thép và nhôm từ châu Âu. EU tuyên bố động thái này “làm suy yếu nỗ lực đàm phán hiện có” và sẽ chuẩn bị biện pháp đáp trả tương xứng.
Nhật Bản: Tiến triển chậm chạp
Trong những tháng gần đây, Mỹ và Nhật Bản đã trải qua ít nhất bốn vòng đàm phán nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa cho biết, rất khó đạt được tiến bộ nếu Mỹ không gỡ bỏ các mức thuế hiện tại bao gồm 10% với toàn bộ hàng hóa, và 25% với ô tô, thép và nhôm.
Cả hai bên dự kiến sẽ gặp lại trước Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra vào ngày 15/6, nơi ông Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba sẽ cùng tham dự.

Lòng tin từ các đối tác thương mại. Ảnh: Bhaskar
Chiến lược thuế quan của Tổng thống Trump đang tạo ra một bước ngoặt lớn trong chính sách thương mại của Mỹ, với mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia và thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng đang gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác thương mại và có thể dẫn đến những hệ lụy kinh tế toàn cầu khó lường.
Dù chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn giữ thái độ tích cực về tiến độ đàm phán, các động thái thiếu nhất quán và gia tăng áp lực thông qua thuế quan đang làm xói mòn lòng tin từ các đối tác thương mại. Và vì vậy, với thời gian còn lại của thời hạn 90 ngày ngày càng thu hẹp, viễn cảnh đạt được nhiều thỏa thuận như ông Trump đặt ra đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.