Kể chuyện gốm đương đại

- Thứ Năm, 14/01/2021, 08:18 - Chia sẻ
Những nhấn nhá, chạm vuốt lên hình, khối, kết hợp các chất liệu nằm lòng của hội họa, điêu khắc. Tinh thần đương đại đó đang kể một câu chuyện khác, sáng tạo phong phú về gốm Việt.

Quan điểm thẩm mỹ từ truyền thống

“Chúng tôi chọn chất liệu quá quen thuộc, truyền thống - gốm, để kể câu chuyện mang màu sắc cá nhân của mình”. 16 nghệ sĩ hội tụ trong triển lãm “Chúng tôi kể chuyện gốm”, đang diễn ra tại Hanoi Studio Gallery, Tràng Tiền, Hà Nội (12.1 - 1.2), đều là những tên tuổi trong làng mỹ thuật đương đại. Sau nửa năm làm việc tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), họ đã vượt qua nhiều thách thức đến từ chất liệu, lối thực hành sở trường, cùng vuốt, vẽ với gốm.

Họa sĩ Phạm Hà Hải “kể chuyện” qua những chiếc bình men ngà và phù điêu gắn vào hộp sơn mài, điểm xuyết nét bút phóng khoáng, khá đồng nhất phong cách với những bức tranh trừu tượng anh vẫn vẽ. Chúng cùng mạch vẽ lại truyền thuyết, cổ tích Việt thời gian gần đây, như anh chia sẻ: “Hơn nửa năm qua, tôi quan sát, nhìn về cái đảo tự nhiên, suy ngẫm về di sản tinh thần Việt Nam. Câu chuyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử hiện ra, đem đến cho tôi thứ cảm xúc với gốm mang nét đẹp của văn hóa phồn thực, nét đẹp ban sơ giữa con người với tự nhiên, con người với con người”.

Gốm tạo thành hình ngôi nhà trâu trong điêu khắc của Lê Đình Nguyên  

Vẻ đẹp ban sơ gắn bó giữa con người với tự nhiên cũng là ý tưởng của nghệ sĩ Đức Petra De Vree. Là nghệ sĩ nước ngoài duy nhất tham gia triển lãm, nhưng Petra không đứng ngoài cuộc đối thoại với gốm Việt. Tác phẩm của cô lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long, gắn hình tượng thiếu nữ trên khối mô phỏng những hòn núi quen thuộc của danh lam này. “Việt Nam trong tôi là thiên đường để làm gốm, gốm cho người ta thỏa sức khám phá. Ở đây, tôi mượn chất liệu hoàn toàn tự nhiên ấy để nói rằng: Hãy trân trọng, bảo vệ thiên nhiên như trân trọng, bảo vệ con người”.

Cùng xuất phát từ chất liệu truyền thống là gốm Việt, mỗi nghệ sĩ lại có quan điểm thẩm mỹ riêng. Khổng Đỗ Tuyền đưa vào gốm sự mạnh mẽ qua những chiếc bình tráng men xanh hình xoáy, được bọc trong các sợi đồng đan vào nhau. Hoàng Mai Thiệp cũng dùng đồng tạo nên nút thắt cho dáng gốm, diễn tả câu chuyện cá chép vượt vũ môn hay cho hình dung về trang phục thời phong kiến. Thái Nhật Minh thay vì tạo ra những con chim 3D như trước đây, đã quyết định dàn chúng ra trên bề mặt bình gốm trắng men lam, và diễn giải: “Đây là thời kỳ tôi muốn tìm cho gốm một không gian mới”.

Nhiều nhánh phát triển mới

Gốm, qua tay của các họa sĩ, nhà điêu khắc dường như bước vào một không gian mới. Chẳng hạn, Lê Đình Nguyên tạo tác ngôi nhà gốm như hình con trâu, có đèn thắp từ bên trong tạo cảm giác gia đình. Đỗ Hiệp lại trải gốm thành tác phẩm giống như hoành phi, câu đối, vẽ lên đó những mây trời, ô khoảnh như mặt đất, dòng sông, dáng người ngồi thiền… Theo dõi và so sánh với phong cách trước đây của các nghệ sĩ, có thể thấy, tạo tác, họa tiết lẫn câu chuyện nghệ thuật của họ đã cởi mở hơn nhiều.

Sự cởi mở ấy là cách để mỗi người nhìn lại chính mình và nhìn sâu hơn vào văn hóa. Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Duy Mạnh cho biết, anh đã gắn bó với gốm nhiều năm, trong tinh thần chung nói về mối liên đới giữa cá nhân và bản sắc dân tộc. Cảm nhận của anh khi quan sát đời sống xã hội là cách ứng xử của con người với văn hóa đang khiến văn hóa ấy tổn thương. “Tôi mượn hình dáng, hoa văn của đồ gốm cổ, mượn giá trị tinh thần của người xưa gửi gắm vào các biểu tượng như tùng, cúc, trúc, mai… và để lại trên đó những dấu vết tổn thương được hình thể hóa. Tôi sẽ không nói nhiều về nguyên do mình làm thế, mà muốn để mọi người tự lắng nghe chính mình, quan sát những gì đang xảy ra”.

Gốm được đặt vào không gian điêu khắc gỗ trong tác phẩm của họa sĩ Phạm Tuấn Tú  

Chinh phục gốm chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả với người nhà nghề. Trong gốm có đầy đủ các yếu tố đất, nước, không khí, lửa, để làm chủ nó đòi hỏi thời gian dài thực hành. Cái khó là đôi khi phải trông vào may mắn khi không thể tính trước quá trình “gốm qua lửa”. Trong sáng tạo nghệ thuật, đó là phép thử sai thách thức song cũng là yếu tố đầy bất ngờ. Và bất ngờ hơn khi thứ nghệ thuật ấy qua tay những nghệ sĩ chỉ đến với gốm như một tay ngang.

Lấy gốm làm điểm nhấn, nhưng họ đưa vào tác phẩm những chất liệu đa dạng để khoe ra thế mạnh của mình. Họa sĩ Vũ Đình Tuấn gọi đó là cách tiếp cận “thông minh và nhạy cảm”, mang lại cho gốm một không khí khác, hơi thở khác.

“Không thể thay thế gốm truyền thống, nhưng nó là biểu trưng của một tinh thần mới đầy tính gợi mở. Tác giả tạo hình ở những chất liệu khác hoàn toàn có thể kết hợp gốm với những gì mình đang làm, để tạo ra sự lạ cho tác phẩm nghệ thuật. Giờ đây, ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật đã mờ, nó cần một hình thức giao hòa, luôn tràn ngập ý tưởng sáng tạo không bao giờ vơi cạn. Quan trọng của nghệ thuật là vậy, mà có như vậy thì gốm Việt mới không bao giờ cô độc, sẽ luôn có những chiều hướng tạo thành các nhánh để phát triển”, họa sĩ Vũ Đình Tuấn nói. 

Thái Minh