Kashmir và những giấc mơ tan vỡ

VƯƠNG ĐỖ
Theo Wall Street Journal
25/12/2012 08:29

Trong những năm 1990, hàng nghìn thanh niên Kashmir bí mật đến dự các khóa huấn luyện quân sự tại Pakistan, dự định cầm súng chống lại quân đội Ấn Độ. Rất nhiều người trong số này vẫn kẹt lại Pakistan, yên bề gia thất với các phụ nữ bản địa…

Được phép hồi hương

Giờ đây, hơn một thập kỷ đã trôi qua, những thanh niên ngày nào bắt đầu chuyến hành trình trở về Kashmir, nay là vùng đất tranh chấp của cả Pakistan, Ấn Độ lẫn Trung Quốc nhằm tìm lại gia đình, họ hàng, người thân và bè bạn. Họ về với cả đám vợ con mang quốc tịch Pakistan của mình.

Song họ lại không quay về theo cách chính thống, vốn là điều được chính quyền Ấn Độ hy vọng sau khi công bố một chính sách vào năm 2010, cho phép các cựu chiến binh quay về và tái hòa nhập với xã hội. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền New Delhi nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc tranh chấp Kashmir, vốn đã gây ra cái chết cho hàng nghìn người kể từ khi xảy ra cuộc chiến Ấn Độ và Pakistan để giành quyền kiểm soát vùng đất trên dãy Himalaya, bắt đầu từ năm 1948.

Binh lính Ấn Độ canh gác ở Srinagar, điểm nóng trong tranh chấp lãnh thổ giữa Pakistan và Ấn Độ. Srinagar hiện thuộc kiểm soát của bên Ấn Độ
Binh lính Ấn Độ canh gác ở Srinagar, điểm nóng trong tranh chấp lãnh thổ giữa Pakistan và Ấn Độ. Srinagar hiện thuộc kiểm soát của bên Ấn Độ
Phần lớn cái chết xuất hiện trong suốt cuộc nổi loạn của người dân Kashmir vào những năm 1990, khi thanh niên địa phương trốn sang Pakistan và quay lại chiến đấu với quân Ấn Độ. Chính quyền New Delhi khi đó đáp trả bằng việc gửi đến đây nửa triệu quân, kết quả là đa số người bị thiệt mạng đều là dân thường Kashmir.

Tuy mức độ bạo lực tại Kashmir đã lắng xuống trong những năm gần đây, song cơn khát ly khai vẫn lan khắp Kashmir, nơi những cuộc đụng độ giữa người biểu tình địa phương và quân lính Ấn Độ xảy ra như cơm bữa. Do đó việc cho phép người Kashmir lưu vong trở về cố hương được kỳ vọng sẽ giúp xoa dịu tất cả những căng thẳng này.

Trở về và vỡ mộng

Song chính sách đúng đắn này đã thất bại, mà nguyên nhân thì không chỉ có một. Theo lời quan chức Ấn Độ, các cựu binh Kashmir thường không nhận được sự cho phép chính thức của giới chức Pakistan để được trở về thông qua các lộ trình chính thống, chẳng hạn sân bay quốc tế New Delhi, hoặc cửa khẩu Wagah ở vùng Punjab,

Bản thân chính quyền New Delhi cũng chậm chạp trong việc chấp nhận số người trên, chủ yếu bởi thủ tục kiểm tra an ninh ngặt nghèo. Trong tổng cộng 1.167 đơn xin về nướác của gia đình những người lính lưu vong Kashmir năm xưa, chỉ có 70 lá đơn được xét duyệt. Theo lời các quan chức Ấn Độ, đây là vấn đề rất nhạy cảm, bởi New Delhi muốn đảm bảo họ “sẽ không đón rước những cá nhân có tiềm năng quay về con đường chiến binh”.

Những người muốn trở về đành phải đi theo một lộ trình đầu tiên là bằng máy bay đến Kathmandu (thủ đô Nepal), rồi lén lút men theo ngả biên giới Nepal để vào trong lãnh thổ Ấn Độ, rồi từ đó mới tiếp tục đến được Kashmir.

Cảnh sát trưởng Kashmir, ông S. M. Sahai cho biết người ta phải làm thế do “chính quyền Pakistan không cho phép họ được ra đi một cách chính thức”.

Song ngay cả khi đã về đến được Kashmir, không phải ai cũng thật sự hạnh phúc, do chứng kiến vùng đất này thay đổi quá nhiều kể từ ngày họ ra đi. “Ngày xưa nơi đây là một cộng đồng khăng khít bao nhiêu, thì giờ đây lại chia rẽ bấy nhiêu. Người dân địa phương trông khắc khổ quá”, ông Shabir Ahmed Dar, từng quay về Kashmir năm 1989 song giờ đã trở lại Pakistan chia sẻ.

Theo lời một vị quan chức cảnh sát Ấn Độ, khá nhiều người khi quay về Kashmir đã không thể tìm ra cách hòa nhập với cuộc sống địa phương, thậm chí còn nhớ… Pakistan.

Những cựu chiến binh được phỏng vấn cho hay các trại huấn luyện quân sự ở Pakistan bắt đầu đóng cửa dần từ đầu những năm 2000, ngay sau khi ông Musharaf trở thành tổng thống, và chịu sức ép mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc ngừng các hoạt động tài trợ cho những nhóm Hồi giáo cực đoan sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001.

Từ đó, các cựu chiến binh bắt đầu hành trình dành dụm tiền để về lại quê hương. Trung bình mức giá chạy một suất hộ chiếu Pakistan để có visa vào Nepal vào khoảng 1.089 USD, bao gồm cả tiền vé máy bay đến Kathmandu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kashmir và những giấc mơ tan vỡ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO