Jesus hay Thánh Paul?
Kitô hữu trên toàn thế giới kỷ niệm sự ra đời của Chúa Jesus trong khi sao lãng vai trò của Thánh tông đồ Paul là người sáng lập ra tôn giáo cho mọi người thực thi ngày nay. Bài viết của Scholar James D. Tabor, chủ tịch nghiên cứu tôn giáo ở Đại học UNC Charlotte, tác giả của cuốn sách “Paul và Jesus - Thánh tông đồ cải đạo Kitô ra sao” với cái nhìn cấp tiến hơn về Chúa Cứu thế.
Người La Mã đóng đinh Chúa Jesus trong một cuộc nổi loạn năm 30, nhưng các tông đồ tiếp tục công cuộc của thầy mình, tin rằng Chúa Jesus sẽ trở lại từ trời là Đấng cứu thế vinh hiển. Họ được gọi là những người thuộc giáo hội Nazareth và sống như người Do Thái cùng với các giáo phái khác của người Do Thái cùng thời như Pharisee, Sadducee, hoặc Essene.
![]() Thánh Paul, sơn dầu trên vải của Valentin de Boulogne (1791 - 1632) |
Những gì Paul rao giảng theo như ông gọi là “Phúc âm” của mình, tạo thành cơ sở của Kitô giáo ngày nay. Paul dạy rằng Chúa Kitô là Con thiêng liêng của Thiên Chúa đã nhập thể, “do một người nữ hạ sinh”. Chúa Jesus đã sống một cuộc đời vô tội và chết để chuộc tội lỗi của thế gian. Ngài đã sống lại từ cõi chết và được tôn vinh bên hữu Đức Chúa Cha trên trời, sẽ sớm trở lại để phán xét thế gian. Những người có đức tin vào Chúa Kitô và sự cứu rỗi của Ngài sẽ được hằng sống, và những người chối bỏ sẽ bị đày hỏa ngục. Vì những thông điệp này nghe rất quen thuộc, cho nên “Kitô giáo” mà Thánh Paul đã rao giảng trở thành nền tảng Kitô giáo – từ tín điều của các Tông đồ đầu tiên cho đến giáo lý Ba Ngôi trong thời đại đế Constantinus I.
Giới sử học đã mất 175 năm qua cho một “câu hỏi về lịch sử Chúa Jesus” và kết quả khá ấn tượng, mặc dù luôn luôn ít hơn chúng ta muốn. Bằng cách so sánh sự khác nhau của các sách Tin Mừng trong Tân Ước, cũng như các văn bản mới được phát hiện gần đây như Tin Mừng của Thomas và bài giảng của Mười hai tông đồ, một thông tin nhìn chung phù hợp, đáng tin cậy có thể tìm thấy dấu tích sự có thật của Chúa Jesus. Những gì chúng ta có không phải là Đức Kitô của Paul và tín điều Kitô giáo, mà là Jesus người Do Thái tuyên bố sắp xảy ra “triều đại của Thiên Chúa”, kêu gọi sự lật đổ triệt để quyền lực của các cấu trúc xã hội, cho dù là quyền lực chính trị, sự giàu có, giai cấp, hay giới tính. Đây là Jesus - người ban phước lành cho người nghèo, đói khát, và bị đàn áp, và lời nguyền với những kẻ giàu có, phóng đãng, và quyền lực – dạy “chìa má bên kia” (sau khi bị tát), yêu thương kẻ thù và đối xử với người khác như với chính mình. Đây là Jesus, người tóm tắt tôn giáo thực sự là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình. Đây là Jesus quở trách một môn đệ với câu hỏi vặn lại, “Tại sao con nghĩ ta tốt lành, có ai tốt lành, ngoài Thiên Chúa?”
Trớ trêu thay, Paul và Jesus sinh ra gần như cùng một thời gian, có lẽ thậm chí cùng một năm, ở cách nhau một vài dặm. Jerome, nhà văn Công giáo thế kỷ IV nói rằng Paul sinh ra ở Gischala, xứ Galilee, một thị trấn chỉ cách phía bắc Nazareth 25 dặm. Người La Mã đày cha mẹ của Paul đến Tarsus tại Cilicia, khoảng năm 4 trước Công nguyên khi cuộc nổi dậy nổ ra ở xứ Galilee sau cái chết của vua Herod. Hài nhi Jesus và cha mẹ là Joseph và Maria đã gặp những biến cố tương tự trong cùng một thời gian và đã trốn sang Ai Cập tạm lưu vong. Chắc chắn đây là một trong những nút thắt kỳ lạ nhất trong lịch sử mà Thánh Paul và Chúa Jesus, hai người chưa bao giờ biết nhau, chia sẻ những nguồn gốc chung, nhưng mỗi người đóng vai trò khác biệt và cao quý trong những gì cuối cùng còn lại trong Kitô giáo ngày nay.