Jazz chống Đức Quốc xã
Một trong những nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng nhất nước Đức vừa bước sang tuổi 90, vẫn hoạt động âm nhạc. Nghệ sĩ saxophone Emil Mangelsdorff chứng kiến không chỉ diễn tiến của nhạc jazz hiện đại mà còn cả sự tàn bạo của Chiến tranh Thế giới lần thứ II.
![]() Mangelsdorff (ngoài cùng, bên phải) với nhóm nhạc jazz đài phát thanh Hesse, 1958. |
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại Frankfurt thập niên 1920 - 1930, Emil Mangelsdorff sớm nhận ra âm nhạc có thể là một hình thức phản kháng chính trị. Jazz có nguồn gốc từ cộng đồng người Mỹ da đen, bị phát-xít xem thường và cấm. Ở Đức dưới sự cai trị của đảng Quốc xã, Mangelsdorff và cha ông phải nghe lén nhạc jazz trên đài phát thanh của Bỉ.
Nghệ sĩ trẻ Mangelsdorff bắt đầu biểu diễn cùng ban nhạc jazz Hotclub ở câu lạc bộ Rokoko, Frankfurt và theo học clarinet tại nhạc viện năm 1942. Mangelsdorff và các nghệ sĩ cùng nhóm nhạc nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhà cầm quyền Đức Quốc xã, các buổi biểu diễn của họ bị cảnh sát mật, Gestapo theo dõi. Tháng 4.1943, Mangelsdorff bị Gestapo bắt giam hai tuần rồi đẩy ra mặt trận phía đông cầm súng cho đến khi Thế chiến II kết thúc. Đức quốc xã đầu hàng năm 1945, Mangelsdorff trở thành tù binh của Liên Xô, không được trở lại Frankfurt và không được chạm vào cây saxophone yêu quý của mình cho đến năm 1949.
Trải nghiệm cuộc đời hằn sâu trong Mangelsdorff, ông luôn cảm thấy cần chia sẻ trải nghiệm của mình. Ngày nay, ông nói với sinh viên âm nhạc về trải nghiệm thời chiến tranh, về cách ông và ban nhạc jazz đổi tên bài hát tiếng Anh sang tiếng Đức để tránh sự nghi ngờ của chế độ độc tài. Bài Tiger Rag được đặt thành Die Lowenjagd im Taunus và St. Louis Blues thành St.-Ludwig’s-Serenade.
Nhạc jazz tiến triển, Mangelsdorff liên tục phát triển lối chơi, từ phong cách swing những năm 1930 đến bebop và cool. Sự nghiệp của ông phát triển song song với sự nghiệp thành công của người em trai là nghệ sĩ kèn trombone Albert Mangelsdorff, nhà cải cách kỹ thuật biểu diễn kèn trombone đã qua đời năm 2005.
Sau khi biểu diễn cùng những tên tuổi nhạc jazz vỹ đại như Joe Klimm và Jutta Hipp, Emil Mangelsdorff tham gia nhóm Frankfurt Allstars và nhóm nhạc jazz của đài phát thanh Hesse. Năm 1960, ông thành lập nhóm nhạc Emil Mangelsdorff, biểu diễn nhiều tác phẩm bất hủ như Songe ma belle và Blues Forever.
Đối với Emil Mangelsdorff, âm nhạc vẫn có quyền lực chính trị mạnh mẽ. Ông thường xuyên biểu diễn trong những vụ kháng nghị chính trị, như biểu tình chống sự bài ngoại ở Đức gần đây và các sự kiện của công đoàn.