Tôi vẽ Tôi
Tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội đang diễn ra triển lãm Tôi vẽ Tôi. Cùng kể chuyện bằng tranh nhưng mỗi họa sỹ đi theo một cách kể chuyện riêng...
![]() Con châu chấu trên mái nhà của Tạ Huy Long |
Tôi vẽ Tôi là cuộc hội ngộ của 6 họa sỹ truyện tranh sống và làm việc tại Hà Nội, gồm: Tạ Huy Long, Tạ Lan Hạnh, Nguyễn Thành Phong, Đỗ Hữu Chí, Bùi Hải Nam và Trần Thu Hương. Không vẽ chân dung tự họa, 6 họa sỹ đã chọn thể hiện cái Tôi qua tác phẩm truyện tranh ngắn. Mỗi người mang đến triển lãm một phong cách riêng. Có truyện theo kiểu cổ điển, từ cách sắp xếp câu chuyện, lời thoại, khung tranh. Cũng có truyện mang tính ý niệm, không có cốt truyện hay lời thoại, chỉ có cảm xúc lôi cuốn người xem...
Họa sỹ Nguyễn Thành Phong chia sẻ về truyện tranh ngắn Bé lợn, lớn bò của anh: “Truyện thể hiện sự sửng sốt của cô giáo khi chấm bài kiểm tra tập làm văn của một học sinh lớp 4. Nhưng thực ra, tác phẩm này không hẳn dành cho thiếu nhi mà dành cho người lớn nhiều hơn, bởi nó đề cập đến vấn đề nhức nhối của xã hội hiện tại là vệ sinh an toàn thực phẩm”. Băn khoăn của tác giả, cũng là nỗi ám ảnh chung của tất cả mọi người về sự không trung thực trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp lương thực, thực phẩm... được thể hiện dưới góc nhìn hài hước, châm biếm.
Con châu chấu trên mái nhà của Tạ Huy Long là câu chuyện về một cậu bé và một con châu chấu khổng lồ. Vào một đêm trăng tròn, cậu bé leo lên lưng châu chấu… bay đi, rồi dần dần cậu cũng biến thành châu chấu. Trang web soi.com.vn đánh giá: “Một cốt truyện kiểu dòng phim cảm giác, đầy ám ảnh. Tranh vẽ đẹp”.
Trong khi đó, họa sỹ có tuổi đời khá trẻ Tạ Lan Hạnh tham gia triển lãm cùng Mảnh ghép, một tác phẩm “tranh” hơn là “truyện”. Như một bức tranh lớn được ghép từ nhiều bức tranh nhỏ, Mảnh ghép không có lời thoại, không có diễn biến truyện, với ý tưởng mỗi cá nhân là một mảnh ghép của bức tranh xã hội, như trong một trò chơi xếp hình, dù có 100, 1.000 hay 2.000 mảnh, thì cũng không mảnh nào giống mảnh nào. Mỗi cá nhân cũng lại là một bức tranh được ghép từ những mảnh chỉ thuộc về riêng họ, ăn khớp duy chỉ với tổng thể Tôi đó. Qua đó, tác giả bày tỏ quan điểm về bản sắc của mỗi người, và nhìn nhận lại quá trình đi tìm cái Tôi của mình: “Trong cuộc sống, mỗi cá nhân phải kiếm tìm những mảnh mới để hoàn chỉnh bức tranh chính mình. Trong khi đó, tôi lại nhọc nhằn đi tìm kiếm những mảnh ghép của người khác, ở những đám đông thừa thãi những mảnh ghép giống nhau mà thiếu thốn đi sự khác biệt. Rồi khi mảnh ghép mới xa lạ không ăn khớp với những gì vốn có, tôi lại đánh mất đi chính bản sắc của mình...” - Tạ Lan Hạnh viết trong lời giới thiệu.
Không màu mè, không chia “truyện” thành các ô nhỏ như truyện tranh hiện đại, họa sỹ Bùi Hải Nam chọn vẽ chì cho toàn bộ bức tranh dài Một đám cưới. Tác phẩm mô tả một đám rước từ nhà gái đến nhà trai. Trên hành trình đó, những câu chuyện liên quan đến đám cưới, từ tiền mừng, cỗ cưới… đến những chuyện của làng quê nơi tác giả từng sinh sống, đã được tái hiện qua những lời thoại của nhiều nhân vật tham gia đám rước và quang cảnh xung quanh. Tác giả cho biết, các họa sỹ tham gia triển lãm có khoảng 3 tháng để chuẩn bị tác phẩm. Vẽ Một đám cưới không quá lâu, nhưng anh phải dành nhiều thời gian tìm ý tưởng thể hiện tác phẩm sao cho độc đáo cả về nội dung và hình thức...
Tôi vẽ tôi là cơ hội để các họa sỹ thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của bản thân trước cuộc sống. Theo họa sỹ Tạ Huy Long, đây cũng là quá trình các nghệ sỹ tìm tòi để tạo ra dấu ấn riêng trong thế giới truyện tranh. Qua triển lãm này, các nghệ sỹ còn muốn hướng đến đối tượng độc giả khác, và làm thay đổi quan niệm truyện tranh vốn chỉ dành cho trẻ em. Đồng tình với ý kiến trên, họa sỹ Thành Phong thừa nhận: “Ngay cả các họa sỹ nhiều khi cũng quên mất là có một thị trường truyện tranh dành cho độc giả trưởng thành. Người lớn có những mối quan tâm riêng, và nếu các tác giả sử dụng truyện tranh như một phương tiện để truyền đạt thông điệp liên quan đến những mối quan tâm đó, độc giả trưởng thành sẽ đón nhận. Tôi thực sự thích thú với việc đi theo hướng khai thác này”.