Italy: chống thất thu thuế để giải quyết nợ công
Italy, nước có mức độ tham nhũng và trốn thuế nghiêm trọng nhất trong số các nước phát triển, đã bắt đầu đẩy mạnh thực hiện một số chiến dịch quy mô lớn để giải quyết tình trạng này và coi đó là biện pháp quan trọng để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công.
Ở các nước công nghiệp phát triển, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách quốc gia, do đó giải quyết được vấn đề trốn thuế sẽ bù đắp một khoản tiền lớn cho ngân sách, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Tại Italy, chiến dịch chống trốn thuế của nhà chức trách trước hết nhằm vào các khoản đầu tư ra nước ngoài, coi đó là một phần của nỗ lực thu hồi thuế bổ sung bù đắp cho khoản nợ công lên đến 2.690 tỷ đôla. Chính phủ hy vọng các biện pháp mạnh sẽ mang về cho ngân sách thêm ít nhất 120 tỷ euro tiền thuế mỗi năm.
Italy mới đây đã quyết định áp đặt trần thanh toán bằng tiền mặt các khoản chi dưới 1.000 euro. Với biện pháp này, thanh tra thuế có thể theo dõi các khoản thu chi và phát hiện ra những thủ đoạn trốn thuế của những người sở hữu các du thuyền sang trọng nhưng chỉ chịu nộp thuế thu nhập rất ít. Một trong những trọng điểm của chiến dịch là nhằm vào các công ty bị nghi ngờ che giấu thu nhập hoặc chuyển thu nhập ra nước ngoài để trốn thuế. Năm 2012, Italy đã thu thêm được tới 600 triệu euro thuế sau khi các công tố viên truy tố hai trường hợp liên quan đến chuyển ngân bất hợp pháp sang Thụy Sỹ. Bên cạnh đó, giới chức Italy cũng tăng cường các biện pháp thanh tra kiểm soát. Năm 2011, đã có 2.700 công ty bị thẩm vấn, tạo điều kiện để nhà nước thu thêm được ít nhất 100 triệu euro thuế, gấp năm lần số vụ năm 2007.

Cảnh sát thuế Italy mới đây đã thẩm vấn một số tập đoàn lớn, trong đó có cả Google và hãng sản xuất kính mắt hàng đầu thế giới Luxottica. Hai ông chủ của nhãn hiệu thời trang Dolce & Gabbana, Domenico Dolce và Stefano Gabbana, hiện đang bị đưa ra tòa với cáo buộc bán thương hiệu cho một công ty có trụ sở tại Luxembourg, quốc gia có mức thuế doanh nghiệp thấp hơn Italy, để trốn thuế bằng thủ đoạn chuyển giá. Nhà chức trách mới đây cho biết đang tiến hành điều tra hành vi của Google chuyển các hợp đồng quảng cáo tại nước này sang cho chi nhánh Ai Len, có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn.
Theo ước tính của cơ quan cảnh sát thuế, năm 2012, Italy thất thu khoảng 17 tỷ euro tiền thuế thu nhập từ các công ty đa quốc gia, so với 11 tỷ euro năm 2011. Luxembourg là quốc gia mà các công ty đa quốc gia sử dụng nhiều nhất để thực hiện hành vi chuyển giá từ Italy, sau đó là Ai Len và Thụy Sỹ.
Thuế thu nhập cá nhân từ trước đến nay cũng là vấn đề gai góc, bất chấp những nỗ lực của chính quyền. Cơ quan ngân sách quốc gia, chịu trách nhiệm về thu và thanh tra thuế, đã áp dụng một công cụ mới có tên gọi là ‘’redditometro”, hay “thước đo thu nhập”, với mục tiêu truy tìm các đối tượng trốn thuế bằng cách kiểm soát chi tiêu cá nhân, chủ yếu là đối với các sản phẩm đắt tiền hay không thiết yếu như nhà cửa, xe ô tô, chi tiêu cho các kỳ nghỉ, đăng ký lớp học thể dục thẩm mỹ, điện thoại di động và quần áo, từ đó tìm ra các điểm bất hợp lý trên tờ khai thuế thu nhập. Nếu những người đóng thuế chi hơn 20% thu nhập mà họ khai báo, cơ quan này có quyền yêu cầu giải trình.
Ở một đất nước đang phải vật lộn tăng nguồn thu ngân sách để giải quyết vấn đề nợ công, cũng là nơi mà báo chí thường xuyên đăng tải hình ảnh những người ngồi sau tay lái những chiếc Lamborrghini đắt tiền nhưng không chịu khai thuế thu nhập, nhiều người hy vọng biện pháp mới sẽ nhận được sự ủng hộ nhất định. Thực tế thông điệp mạnh này đã có tác dụng. Serena Sileoni, chuyên gia luật tại Viện nghiên cứu Bruno Leoni cho biết, việc bắt buộc người tiêu dùng phải giữ lại hóa đơn để giải thích thắc mắc về các khoản chi tiêu của họ khi cần là một “biện pháp khủng bố tinh thần” những người có ý định trốn thuế.
Trước khi thực hiện redditometro, cơ quan quản lý thuế Italy đã đưa ra một số biện pháp cứng rắn khác, bắt đầu phát huy hiệu quả. Đầu tháng 2, cảnh sát thuế cho biết năm 2012 họ đã phát hiện ra hơn 8.600 trường hợp trốn thuế hoàn toàn, tức là những người không chịu nộp một đồng thuế nào mặc dù có thu nhập cao, và khoảng 23 tỷ euro thu nhập lẽ ra phải có nghĩa vụ nộp thuế tại Italy cất giấu ở nước ngoài. Tuy vậy, những khoản tiền nói trên mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng số thất thu thuế của Italy. Cơ quan thống kê quốc gia ước tính ít nhất 18% GDP nước này đến từ thế giới ngầm. Nếu toàn bộ số tiền này được đưa vào diện thu thuế, ngân sách quốc gia có thể được bổ sung ít nhất 162 tỷ euro mỗi năm. Khi redditometro được giới thiệu tháng 11 năm ngoái, các cơ quan quản lý thuế Italy ước tính khoảng một phần năm hộ gia đình người Italy có chi tiêu mâu thuẫn với khai báo thu nhập. Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với hành vi trốn thuế, nhưng trong trường hợp, nhà chức trách cho biết họ cần để mắt nhiều hơn.
Lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2010 dưới thời chính quyền của Thủ tướng Silvio Berlusconi và được chính phủ của Thủ tướng kỹ trị Mario Monti chính thức áp dụng, redditometro vẫn còn đang gây tranh cãi trong dư luận, nhất là các hiệp hội và tập đoàn kinh doanh các hàng hóa xa xỉ. Giới bán lẻ lo ngại nó sẽ làm giảm sức mua và ảnh hưởng nhiều hơn đến hoạt động kinh doanh của họ, trong khi một số nhóm bảo vệ nhân quyền cho rằng nó quá tò mò, có thể tạo điều kiện xâm phạm quyền riêng tư. Tuy nhiên, biện pháp mới dù thế nào đi nữa đã phản ánh nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ trong việc thuyết phục người dân thực hiện nghiêm túc luật thuế. Trước sự chỉ trích của một số giới, cơ quan thuế Italy đã lên tiếng trấn an rằng redditometro sẽ chỉ được áp dụng trong các trường hợp phát hiện nghi ngờ trốn thuế quy mô lớn, hay những người nói dối một cách trắng trợn thu nhập của họ, trước khi áp dụng đại trà.