Các điểm nhấn chính của cuộc cải cách
Dự luật sau khi vượt qua giai đoạn Ủy ban, dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại lần đọc thứ hai và thứ ba tại Knesset (Quốc hội). Ủy ban Bộ trưởng về chi phí sinh hoạt thuộc Quốc hội Israel bao gồm các bộ trưởng và nghị sĩ thuộc nhiều đảng khác nhau. Họ cùng làm việc để tìm ra giải pháp giảm giá thành các mặt hàng thiết yếu, cải thiện điều kiện kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Mục tiêu chính của dự luật là giải quyết chi phí sinh hoạt cao, vốn đã gây khó khăn cho người dân Israel từ lâu. Bằng cách cho phép nhập khẩu các sản phẩm được bán trên thị trường EU, cải cách dự kiến sẽ đưa ra mức giá cạnh tranh và nâng cao sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Bộ trưởng Kinh tế Nir Barkat nhấn mạnh tính chất lịch sử của cuộc cải cách. Ông cho biết: “Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã cố gắng giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt cao ở Israel và lần đầu tiên, chúng tôi có trong tay một giải pháp toàn diện”. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng phát biểu tương tự. “Điều gì tốt cho châu Âu cũng tốt cho Israel. Tuần này, chúng tôi sẽ trình dự luật nhanh chóng tới Knesset”, ông khẳng định.
Việc nhập khẩu các sản phẩm từ thị trường EU được kỳ vọng sẽ làm giảm giá các mặt hàng tiêu dùng khác nhau, bao gồm cả mỹ phẩm và thực phẩm, vốn rất đắt đỏ ở Israel. Người tiêu dùng sẽ có quyền truy cập vào nhiều loại sản phẩm hơn, nâng cao trải nghiệm mua sắm và sự hài lòng của họ. Theo giới chức, lợi ích mà dự luật mới mang lại còn hơn thế nữa, khi dòng sản phẩm của EU tràn vào sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh tại thị trường Israel, có khả năng thúc đẩy các nhà sản xuất địa phương cải thiện dịch vụ và giá cả của họ.
Mối quan hệ kinh tế gần gũi giữa Israel và EU
Trên thực tế, Israel và khối liên minh lá cờ xanh có sợi dây liên kết về kinh tế, thương mại khá vững chắc và được xây dựng, củng cố từ lâu. Cơ sở pháp lý chính cho quan hệ thương mại giữa hai bên là Hiệp định Hiệp hội EU-Israel, có hiệu lực từ tháng 6.2000. Hiệp định này cung cấp khuôn khổ pháp lý, thể chế cho đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế giữa hai bên, thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại mạnh mẽ.
Thực tế, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 25 của EU, chiếm 0,8% tổng thương mại hàng hóa của EU vào năm 2022. Israel giữ vị trí quan trọng trong số các đối tác thương mại chính của EU ở khu vực Địa Trung Hải. Ngược lại, EU là đối tác thương mại nổi bật nhất của Israel, chiếm 28,8% thương mại hàng hóa của Israel trong cùng năm. Cụ thể, 31,9% hàng nhập khẩu của Israel có nguồn gốc từ EU, trong khi 25,6% hàng xuất khẩu của Israel là sang EU.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa EU và Israel cũng là một phần quan trọng trong quan hệ kinh tế song phương, thúc đẩy hội nhập và hợp tác sâu sắc hơn. Ngoài Hiệp định Hiệp hội EU-Israel (2000) như đề cập ở trên, quan hệ thương mại còn được định hình bởi nhiều hiệp định quan trọng khác khác như: Hiệp định Thương mại nông nghiệp (2010); Thỏa thuận về đánh giá phù hợp và chấp nhận sản phẩm công nghiệp (2012) trong lĩnh vực dược phẩm, giúp xóa bỏ các rào cản thương mại và cho phép công nhận lẫn nhau về chứng nhận dược phẩm; Thỏa thuận hàng không châu Âu - Địa Trung Hải (2018), thường được gọi là thỏa thuận “Bầu trời mở”, tạo thuận lợi cho việc đi lại bằng đường hàng không giữa EU - Israel, tăng cường kết nối và quan hệ kinh tế…
Đặc biệt, Israel là một trong những đối tác quan trọng trong Khu vực láng giềng phía Nam của EU, bao gồm Algeria, Ai Cập, Israel, Jordan, Lebanon, Libya, Morocco, Palestine, Syria và Tunisia. Quan hệ đối tác chiến lược của EU với các nước này nhằm mục đích thúc đẩy sự ổn định khu vực, thịnh vượng kinh tế và các giá trị dân chủ…