ISIL thành lập Nhà nước Hồi giáo:
Ảo vọng hay tham vọng?
Lực lượng thánh chiến đang tham chiến ở Syria và Iraq - được biết đến dưới tên gọi chung Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) - đã tuyên bố thành lập một Caliphate tức nhà nước Hồi giáo ở Iraq, dạng chính thể đã chấm dứt gần 100 năm trước đây với sự sụp đổ của đế chế Ottoman. Diễn biến này báo hiệu một tham vọng thống trị nguy hiểm của lực lượng cực đoan ở thế giới đạo Hồi.
![]() ISIL công bố bản đồ Nhà nước Hồi giáo trong vòng 5 năm tới bao trùm Trung Đông |
Nguồn: InSerbia |
Trong một đoạn băng ghi âm được đăng tải trên mạng, ISIL tuyên bố thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của tổ chức này là Caliph Ibrahim - tức Vua của nhà nước Hồi giáo, vị vương đồng thời là giáo chủ nối tiếp truyền thống từ Đấng Tiên tri Mohamad và là lãnh đạo của người Hồi giáo trên toàn thế giới”. Theo tuyên bố, lãnh thổ của nhà nước này trải dài từ thành phố Aleppo ở miền Bắc Syria tới tỉnh Diyala ở miền Đông Iraq. ISIL yêu cầu những người Hồi giáo sinh sống tại khu vực này phải tuân lệnh và trung thành với thủ lĩnh mới. Cũng trong đoạn băng này, lực lượng nổi dậy cũng bác bỏ dân chủ và những thứ rác rưởi khác của phương Tây. ISIL cũng nói, từ nay trở về sau, họ sẽ được gọi đơn giản là Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thành lập một nhà nước Hồi giáo áp dụng Luật Sharia hà khắc từ lâu đã là mục tiêu của các chiến binh thánh chiến. Câu hỏi hiện được đặt ra là tổ chức này chỉ tung ra một đòn chiến thuật về truyền thông hay thực sự muốn tái lập một truyền thống đã chấm dứt từ năm 1924, khi caliphate cuối cùng bị xóa bỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là dạng thể chế hoàn toàn được tổ chức theo các luật của Hồi giáo và có tham vọng đưa tôn giáo này thống trị thế giới. Theo nhà phân tích Adam Whitnall trong bài viết trên The Guardian, sự kiện tuyên bố thành lập caliphate là một động thái có ý nghĩa ý thức hệ và tôn giáo lớn. Trong khi đó, ông Charlie Cooper, nhà nghiên cứu tại viện Quilliam chuyên chống lại chủ nghĩa cực đoan, cho rằng điều ISIL làm đang tạo ra vấn đề hết sức phức tạp về ý thức hệ và tôn giáo, và cũng là một thách thức lớn cho mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, và tổ chức này có thể sẽ tìm cách giành lại tính chính danh. Sẽ có nhiều lời phê phán từ những người tin rằng việc tuyên bố thành lập caliphate là quá sớm, nhưng ISIL đã biến hóa nhanh mấy năm qua và nay đang có sự tôn sùng cá nhân đối với thủ lĩnh tinh thần Baghdadi trên các mạng xã hội tiếng Ảrập.
Theo chuyên gia Mohamed Yehia, chữ caliphate trong tiếng Ảrập có nghĩa đen là quá trình chọn lựa ra một vị vừa là quân vương, vừa là giáo chủ (Caliph) cho tất cả người Hồi giáo trên thế giới. Nhưng caliphate cũng chỉ là hệ thống chính trị bắt đầu từ sau khi Đấng Tiên tri Mohammed qua đời. Đế chế Ottoman là caliphate cuối cùng và bị lực lượng ủng hộ thế tục Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu là Mustafa Kamal Ataturk, xóa bỏ năm 1924.
Kể từ sau khi đấng tiên tri Mohammed qua đời, caliph là chức danh chỉ những vị vương, hoặc emir (tiểu vương) của mọi tín đồ Hồi giáo. Trong lịch sử Hồi giáo, sau đấng tiên tri Mohammed có bốn vị caliph kế tiếp, và đế chế Hồi giáo Omayyad đã trải qua thời kỳ hoàng kim từ 661 - 750, sau đó là đế chế của triều đại Abbasid, từ 750 - 1517.
Liên kết quá khứ và hiện tại, giới phân tích cho rằng ISIL đang tìm cách phục hồi ý nghĩa của khái niệm Hồi giáo thuần tuý này và tự cho mình là đại diện cao nhất của mọi tín đồ Hồi giáo. Điều đó cho thấy tham vọng muốn thống trị thế giới Hồi giáo bằng con đường bạo lực cùng những đạo luật hà khắc của Sharia. Mặc dù bước đi này trên thực tế chưa ảnh hưởng lớn tới tình hình thực địa, song nó phản ánh sự tự tin của ISIL và là bước đối đầu với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Vì thế không thể coi thường diễn biến này.
Nay ISIL trên thực tế đã kiểm soát một phần lãnh thổ Syria và Iraq và đang đe dọa các quốc gia trong vùng như Lebanon, Jordan, Ảrập Xêút. Tự xưng là Nhà nước Hồi giáo duy nhất, tổ chức này muốn thu hút thêm quân tình nguyện và củng cố rồi mở rộng địa bàn hoạt động. Lãnh đạo ISIL gọi nhà nước của mình là giấc mơ hiện thực trong mọi trái tim người Hồi giáo và là hy vọng cho mọi chiến binh Hồi giáo.
Sự kiện tổ chức Hồi giáo cực đoan dòng Sunni tuyên bố lập caliphate không được Iran và các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite hay Ảrập Xêút công nhận. Bản thân Ảrập Xêút đã tự cho mình vai trò nước bảo trợ và bảo vệ cho các điểm thiêng liêng nhất của Hồi giáo. Trong khi đó, các quốc gia Hồi giáo ôn hòa và các cộng đồng đạo Hồi trên thế giới cũng sẽ bác bỏ sự tuyên bố của ISIL. Các chính phủ trong khu vực đều coi một chính quyền tự phong xuất hiện tại Iraq và xưng danh Nhà nước Hồi giáo là một mối đe dọa.
Với al-Qaeda, đây là một thách thức rõ ràng đối với việc kiểm soát phong trào thánh chiến trên toàn cầu. Lãnh tụ Baghdadi được ISIL ca ngợi là nhà chiến thuật tinh nhuệ, người đã đánh bại các lực lượng Mỹ sau cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ đi đầu, và hiện được coi là đối thủ của thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri trong cuộc cạnh tranh trở thành kẻ thánh chiến có ảnh hưởng nhất trên thế giới. ISIL đã thu hút hàng nghìn tay súng nước ngoài nhờ lời kêu gọi của Baghdadi, những nỗ lực nhằm thành lập cái mà họ cho là một nhà nước Hồi giáo lý tưởng, và bộ máy truyền thông tinh vi của tổ chức này, vốn đang xuất bản các tạp chí và video bằng tiếng Anh và nhiều tiếng châu Âu khác. Rõ ràng, ISIL đang nuôi tham vọng nguy hiểm thâu tóm thế giới Hồi giáo và có thể chúng sẽ làm tất cả để tham vọng không phải là ảo vọng.