ISIL - ràng buộc lợi ích Iraq và Syria
Sự thắng thế của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) không chỉ khiến chính quyền của Thủ tướng Nouri al-Maliki tại Iraq lao đao mà còn đẩy chính quyền Syria láng giềng của Tổng thống Bashar al-Assad vào tình thế khó khăn không kém. Đó là bởi có mối liên hệ mật thiết giữa hai chế độ này với ISIL, được biết tới tại Damacus dưới tên gọi khác - Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (ISIS).
Điểm chung giữa hai cuộc xung đột ở hai quốc gia láng giềng tại Trung Đông này là cả hai chế độ điều do người Hồi giáo dòng Shiite kiểm soát và lực lượng chống đối là người Hồi giáo dòng Sunni. Trục Shiite tại Iraq và Syria đang nằm dưới sức ép ngày càng lớn. Các tay súng của ISIL đang đánh chiếm một vùng lãnh thổ ngày càng mở rộng dọc biên giới hai nước. Toàn bộ khu vực biên giới giữa hai nước gần như bị bỏ ngỏ, với việc các tay súng của ISIL di chuyển tự do từ bên này sang bên kia, vận chuyển vũ khí, trang thiết bị và tiền. Việc các tay súng chiếm được một vùng rộng lớn ở Iraq giúp củng cố lập luận của Tổng thống al-Assad rằng, cuộc nổi dậy chống chế độ của ông là hành động của các phần tử Hồi giáo cực đoan bị kích động từ bên ngoài. Chính khách này đã đề nghị phương Tây hợp tác để hạn chế ảnh hưởng của các phần tử thánh chiến và rằng những kẻ cực đoan - chứ không phải những phần tử nổi dậy ôn hòa thân phương Tây đang bị chia rẽ - là mối đe dọa thực sự tới quyền lực của chính quyền Damascus. Những hành động bạo lực và các bước tiến nhanh chóng đạt được của các phần tử cực đoan ở Iraq chống lại chính phủ được phương Tây hậu thuẫn dường như ủng hộ lý lẽ của Tổng thống al-Assad.
![]() | |
Lực lượng ISIL hành quân tại Raqqa, Syria | Nguồn: AP |
Diễn biến này cũng có nguy cơ làm đảo lộn cuộc xung đột kéo dài 3 năm qua tại Syria. Chính phủ Damascus chủ yếu dựa vào các tay súng bên ngoài để củng cố vị thế và giúp trấn áp các cuộc nổi dậy của người Sunni lan tràn khắp đất nước này. Lực lượng nước ngoài này bao gồm hàng nghìn tay súng Shiite của nhóm Hezbollah, các cố vấn của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và các tay súng Iraq đã rời quê hương và tiến tới Syria để chống lại cái mà họ lo ngại, đó là cuộc tấn công vào trục Shiite trong khu vực bao gồm Iran, Syria, nhóm Hezbollah ở Lebanon và chính quyền Thủ tướng al-Maliki ở Iraq. Chính vì vậy, khi ISIL thắng thế tại Iraq, hàng nghìn tay súng Iraq dòng Shiite đang chiến đấu ở Syria đã lũ lượt trở về quê hương Iraq để giúp vị Thủ tướng đương nhiệm, để lại nhiều lỗ hổng lớn ở những khu vực mà họ đang kiểm soát. Hầu hết các tay súng Shiite Iraq ở Syria - ước tính lên đến 20.000 - 30.000 người - đang chiến đấu chống lại các phần tử nổi dậy ở ngoại ô thủ đô Syria và đặc biệt ở Sayida Zeinab - nơi có đền thờ Shiite cùng tên. Các phần tử nổi dậy ở Syria đã lợi dụng khoảng trống do các tay súng Iraq để lại để tăng cường tấn công.
Trong bài phân tích mới đây, ông Firas Abi Ali - phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi của hãng nghiên cứu rủi ro IHS - cho rằng chính phủ Syria sẽ sử dụng các tay súng của Hezbollah để thế vào chỗ trống của các tay súng Iraq. Tuy nhiên, theo ông Ali, việc các tay súng Iraq hồi hương sẽ làm suy giảm khả năng chính phủ Syria tiến hành các cuộc tấn công mới và chuyển sang thế phòng thủ chiến lược.
Một quan ngại khác của chính quyền al-Assad là khả năng ISIL có thể vận chuyển vũ khí và phương tiện tối tân từ Iraq qua biên giới sang Syria. Một quan chức tình báo cấp cao Iraq đã khẳng định rằng các tay súng ISIL trên thực tế đã bắt đầu tiến hành việc này. ISIL mới đây đã chiếm được các kho quân sự ở thành phố Mosul, trong đó có 400.000 vũ khí và đạn, 1/4 trong số đó đã được chuyển đến Syria để cất giữ. Điều này có thể khiến phương Tây giảm bớt cung cấp cho các phần tử nổi dậy ở Syria các vũ khí tối tân cần thiết để đối đầu với quân đội vượt trội của ông Assad.