Indonesia và EU đạt thỏa thuận thương mại lịch sử
Sau một thập kỷ đàm phán đầy trắc trở, Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (IEU - CEPA); thỏa thuận không chỉ mở ra chương mới trong quan hệ thương mại song phương, mà còn được xem là bước đi chiến lược của Jakarta và Brussels trong bối cảnh chính sách thuế quan bảo hộ của Mỹ đang làm rung chuyển trật tự thương mại toàn cầu.
Thỏa thuận lịch sử giữa thời điểm nhạy cảm
Ngày 14/7, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Rosan Roeslani xác nhận IEU - CEPA sẽ chính thức được ký kết vào tháng 9 tới. Theo ông, đây sẽ là bước ngoặt lớn để nâng kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 30 tỷ USD hiện tại lên 60 tỷ USD trong tương lai gần; đồng thời quan hệ đối tác Indonesia - EU sẽ được nâng lên một tầm cao mới và mở ra thị trường mới với tổng dân số 700 triệu người cho các doanh nghiệp EU và Indonesia.

tại Brussels, Bỉ ngày 13/7. Ảnh: europa.eu
Một ngày trước đó, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, trong cuộc họp báo tại Brussels cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, công bố việc hoàn tất toàn bộ nội dung đàm phán kéo dài suốt 10 năm. “Chúng tôi đã đạt được bước đột phá; về bản chất đây là một hiệp định thương mại tự do toàn diện”, ông tuyên bố, đồng thời khẳng định không còn điểm bất đồng nào giữa hai bên.
Một hiệp định không chỉ về thương mại
IEU - CEPA không đơn thuần là một hiệp định thương mại. Theo Tổng thống Prabowo, thỏa thuận này thể hiện sự công bằng, tôn trọng và cam kết phát triển bền vững giữa hai đối tác. “Hiệp định sẽ hỗ trợ tạo việc làm, phát triển công nghiệp và củng cố các mục tiêu phát triển dài hạn” - ông nói; nhấn mạnh rằng CEPA là công cụ để Indonesia tiến đến nền kinh tế xanh và công nghệ cao.
Chủ tịch EC von der Leyen cũng cho biết, hiệp định này sẽ “mở ra các thị trường mới, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nguyên liệu thô chiến lược và tăng cường chuỗi cung ứng thiết yếu cho ngành công nghiệp sạch của châu Âu”. Bà gọi IEU - CEPA là “bằng chứng cho con đường cởi mở, hợp tác và cùng thịnh vượng mà cả hai bên lựa chọn”.
Theo hãng thông tấn chính thức của Indonesia Antara, IEU - CEPA sẽ tạo khung pháp lý thương mại hiện đại, công bằng và bền vững. Bao trùm 21 lĩnh vực hợp tác, hiệp định sẽ mở đường cho tăng trưởng thương mại song phương, thu hút đầu tư chất lượng cao và thúc đẩy các tiêu chuẩn về phát triển xanh, minh bạch hóa chuỗi cung ứng, và hợp tác chuyển đổi số.
Thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác về nguyên liệu thô chiến lược, vốn là mối quan tâm lớn của cả hai bên trong việc bảo đảm an ninh công nghiệp và lợi thế cạnh tranh toàn cầu.
Nền tảng cho mối quan hệ hợp tác toàn diện
Không chỉ là nền tảng kinh tế, IEU - CEPA còn đặt viên gạch vững chắc cho mối quan hệ chiến lược rộng lớn hơn giữa EU và Indonesia.
Nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân, Ủy ban châu Âu đã thông qua quyết định cấp thị thực nhiều lần (visa cascade) cho công dân Indonesia, giúp đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình xin thị thực nhập cảnh vào EU.
Hai bên khẳng định cam kết đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch một cách công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Indonesia nhấn mạnh rằng cách tiếp cận quốc gia của mình được xây dựng dựa trên tầm nhìn về khả năng tự cung tự cấp và phục hồi năng lượng, như đã nêu trong Asta Cita; đồng thời hoan nghênh Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership) và Cửa ngõ Toàn cầu của EU (Global Gateway) nhằm hỗ trợ các mục tiêu dài hạn và ưu tiên phát triển quốc gia.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự ủng hộ đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, hợp tác chặt chẽ hơn với Liên Hợp Quốc và các nỗ lực hòa bình tại Ukraine và Trung Đông; châu Âu và Indonesia tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác ASEAN và EU, khi cả hai bên tích cực ủng hộ hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Áp lực từ chính sách thuế: Chất xúc tác không mong muốn
CEPA giữa EU và Indonesia đã được đàm phán kể từ tháng 7/2016. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đã bị đình trệ vì những bất đồng gay gắt liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ của Indonesia và chính sách chống phá rừng của EU. Trong đó, dầu cọ - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Jakarta - từng là tâm điểm tranh cãi khi EU thông qua Đạo luật Chống phá rừng năm 2023, nghiêm cấm nhập khẩu mọi sản phẩm được canh tác trên các vùng đất bị coi là phá rừng. Hai quốc gia cũng từng vướng mắc vào các tranh chấp thương mại liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu niken của Jakarta và việc EU áp đặt thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với một số loại sản phẩm thép không gỉ của Indonesia.
Cho đến tháng 6, hai bên đã hoàn tất phần lớn các điều khoản cho CEPA. Tuy nhiên, theo giới quan sát, động lực quan trọng thúc đẩy Jakarta và Brussels cấp bách hoàn tất thỏa thuận liên quan đến chính sách thuế quan quyết liệt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong bức thư gần đây gửi Tổng thống Prabowo, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp mức thuế lên tới 32% đối với hàng hóa Indonesia, có hiệu lực từ ngày 1/8, dù ông để ngỏ khả năng các mức thuế này có thể được tăng hoặc giảm tùy thuộc vào quan hệ song phương.
Điều này khiến Jakarta choáng váng bởi trong nhiều tháng qua, Indonesia đã nỗ lực đưa ra hàng loạt đề xuất nhằm xoa dịu Washington, bao gồm kế hoạch chi 34 tỷ USD mua hàng Mỹ: từ nông sản, năng lượng, đến máy bay Boeing; đồng thời hứa hẹn một khoản đầu tư lớn từ quỹ quốc gia mới được thành lập Danantara.
Bộ trưởng Kinh tế Airlangga Hartarto, trên đường tới Washington, đã bày tỏ thất vọng với Washington Post: “Mức thuế mới thực sự gây sốc. Chúng tôi thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận, còn Mỹ thì không thay đổi gì cả”.
Trong khi đó, ngày 12/7, chỉ một ngày trước khi đạt được thỏa thuận với Indonesia, các nhà lãnh đạo EU đã đồng loạt phản ứng về mức thuế mới của Mỹ. "Việc áp thuế 30% đối với hàng xuất khẩu của EU sẽ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây Dương thiết yếu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương" - bà Ursula von der Leyen nhận định.
Tuyên bố của bà Ursula von der Leyen khẳng định EU luôn ưu tiên một giải pháp đàm phán với Mỹ, phản ánh cam kết của khối này đối với đối thoại, ổn định và quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mang tính xây dựng. Dù vậy, Chủ tịch EC nhấn mạnh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của EU, trong đó có việc áp dụng các biện pháp trả đũa tương xứng nếu cần thiết.
Trong bối cảnh đó, thị trường Indonesia sẽ vô cùng quan trọng đối với EU. Trong cuộc họp báo với Tổng thống Prabowo, bà von der Leyen cho biết, Indonesia không chỉ là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU tại Đông Nam Á, mà còn là quốc gia nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ năm từ EU, đồng thời đóng vai trò nguồn cung hàng hóa thiết yếu ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu. “Tiềm năng giữa hai bên vẫn còn rất lớn”.
Việc Indonesia và EU đẩy nhanh hoàn tất CEPA là dấu hiệu cho thấy ngay cả trước khi có hiệu lực, chính sách thuế quan của Mỹ đã thúc đẩy quá trình sắp xếp lại thương mại toàn cầu và có lẽ sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho Mỹ.
Củng cố xu hướng hợp tác trong một thế giới chia rẽ
Đối với hai đối tác, IEU - CEPA được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân trung tâm cho quan hệ song phương EU - Indonesia trong nhiều thập kỷ tới. Sự gắn kết giữa một nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Đông Nam Á và khối kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ thúc đẩy đầu tư, thương mại mà còn góp phần định hình một trật tự toàn cầu cân bằng hơn.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và thương mại toàn cầu đang bị định hình lại bởi các chính sách đơn phương, hiệp định này là một minh chứng cho giá trị bền vững của hợp tác đa phương, tôn trọng lẫn nhau và cùng phát triển. CEPA không chỉ là một thỏa thuận thương mại mà còn là một tuyên bố chính trị rằng hội nhập vẫn là con đường đúng đắn, ngay cả khi thế giới ngày càng chia rẽ.