Indonesia qua tranh kính

Lê Thủy 09/12/2014 08:49

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa khai trương trưng bày Tranh kính Indonesia, giới thiệu 68 bức tranh kính do gia đình ông O’ong Maryono và bà Rosalia (Lia) Sciortino, người Indonesia tặng. Các bức tranh với màu sắc tươi sáng, phản ánh sinh động lịch sử, văn hóa và xã hội Indonesia.

Đa dạng về chủ đề, phong cách

“Tôi bị cuốn hút bởi màu sắc sặc sỡ của tranh kính. Trước khi có ý định sưu tập, tôi đã có rất nhiều tranh kính”. Bà Rosalia mua bức tranh kính đầu tiên năm 1986 tại Yogyakarta, Indonesia khi bà đang thực hiện chuyến nghiên cứu thực địa phục vụ luận văn thạc sỹ về nhân học và xã hội học phát triển tại Đại học Free, Amsterdam, Hà Lan. Khi trở lại Indonesia làm luận án tiến sỹ năm 1989, bà bổ sung vào bộ sưu tập những bức tranh từ Salam, Magelang, Trung Java. Tuy nhiên, phần lớn tranh kính bà Rosalia có là nhờ sưu tầm cùng chồng, ông O’ong Maryono khi họ ở Indonesia từ 1993 - 1998. Họ cũng mua tranh kính từ các nơi khác trên thế giới, song trọng tâm của bộ sưu tập là tranh kính Indonesia.

Nghệ thuật tranh kính có tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Á, Trung Đông. Riêng tại Đông Nam Á, tranh kính Thái Lan nội dung chủ yếu thể hiện 12 con giáp; tranh kính Myanmar vẽ về đạo Phật hay linh vật; Campuchia cũng có tranh kính về đạo Phật. Ở Việt Nam, tại một số tỉnh phía Nam như Sóc Trăng, Bình Dương, nội dung tranh kính thường chỉ liên quan đến tôn giáo, thờ cúng tổ tiên. Trong khi đó, tranh kính Indonesia thể hiện nhiều chủ đề như: phản ánh cuộc sống hàng ngày, nghệ thuật dân gian, nghi lễ và lễ hội, Hồi giáo và lịch sử Indonesia; các sử thi Mahabharata, Ramayana và huyền thoại, nhân vật gần với sân khấu rối (wayang) và những anh hề (punakawan). Nghệ thuật tranh kính mô tả một cách sống động sự đa dạng văn hóa, lịch sử, tôn giáo cũng như cuộc sống của người Indonesia.

Du nhập Indonesia đầu thế kỷ XX cùng với người Hà Lan và phát triển cực thịnh tại đây trong những năm 1930, tranh kính tập trung ở một số vùng như ở Bali, Java… mỗi vùng tranh kính có phong cách riêng, như tranh kính Bali có nhiều họa tiết về Hindu giáo, ở Java thì tranh có màu sắc đậm. Để tạo nên một tác phẩm trên kính, nghệ nhân vẽ mẫu trên giấy, sau đó đặt giấy dưới tấm kính tô lại, và tô màu, đặc biệt nghệ nhân phải vẽ ngược với quy trình thông thường, nét vẽ đầu tiên chính là nét cuối cùng của tranh trên giấy hay vải, và tô màu nền sẽ là bước cuối cùng. Trước kia, tranh kính thường được dùng trang trí trên cánh tủ, hoặc những chiếc hộp. Ngày nay, tại Indonesia, tranh kính ngày càng ít xuất hiện, ít nghệ nhân gắn bó với loại hình nghệ thuật này.

Phụ nữ Madura giặt bên giếng
Phụ nữ Madura giặt bên giếng

Kết nối Đông Nam Á

Bà Rosalia (Lia) Sciortino chia sẻ: “Gia đình tôi trao tặng bộ sưu tập này cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2006, khi tôi làm Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Quỹ IDRC và hợp tác với Bảo tàng, cùng hướng tới mục tiêu tăng cường sự hiểu biết, hợp tác giữa các nước trong khu vực. Khi ấy, Bảo tàng có ý tưởng xây dựng tòa nhà bảo tàng để chia sẻ tri thức, kết nối các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trùng với ý tưởng của chúng tôi. Bảo tàng cũng sẵn sàng dành phòng trưng bày để giới thiệu bộ sưu tập tranh kính này. Do đó, chúng tôi quyết định trao tặng một phần sưu tập của mình cho Bảo tàng, để nhân dân Việt Nam và khách du lịch quốc tế có thể hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, con người Indonesia”.

68 bức tranh kính Indonesia được trưng bày thường xuyên tại không gian tầng 2 tòa nhà Cánh diều của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bộ sưu tập được sắp xếp trưng bày theo 5 chủ đề: Lịch sử Java; Sử thi; Các anh hề; Hồi giáo ở Indonesia; và Cuộc sống thường ngày. Các bức tranh kính được sưu tầm qua nhiều thời gian, di chuyển từ Indonesia đến Việt Nam, thay đổi về điều kiện bảo quản nên đối mặt với nguy cơ hư hỏng. Bảo tàng đã mời các nhà thiết kế của Pháp giúp về ý tưởng trưng bày. Quá trình thiết kế trưng bày được tính toán, tạo điều kiện cho khách tham quan xem tranh nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho các tác phẩm nghệ thuật này.

Theo Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Võ Quang Trọng: trưng bày Tranh kính Indonesia tiếp nối trưng bày về văn hóa các dân tộc ở Đông Nam Á nhằm mang đến cho công chúng hiểu biết đa dạng về các nước trong khu vực, là đóng góp tích cực của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào quá trình xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN năm 2015. Việc tổ chức trưng bày Tranh kính Indonesia tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng nhằm thể hiện sự tôn vinh đối với những người hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Năm 2015, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ trưng bày bộ sưu tập Dân tộc học loại hình châu Á do Gs Kaneko Kazushige (Nhật Bản) và bộ sưu tập Một số nền văn hóa thế giới do Gs Lê Thành Khôi (Pháp) hiến tặng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Indonesia qua tranh kính
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO