Hồi tháng 3, Indonesia đã thắt chặt các quy định nhập khẩu nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước làn sóng sản phẩm nhập khẩu. Các quy định này yêu cầu nhà nhập khẩu phải xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Công Thương và muốn xin giấy phép này, họ phải cần thư giới thiệu của Bộ Công nghiệp.
Các quy trình liên quan rất phức tạp, đòi hỏi nhà nhập khẩu nộp nhiều loại giấy tờ và phải đưa ra dự báo số lượng hàng dự kiến nhập khẩu hàng năm. Dự báo này có thể được chính phủ sử dụng đặt ra hạn ngạch nhập khẩu cho một số sản phẩm nhất định để khuyến khích sản xuất trong nước.
Các quy định đó đã ảnh hưởng khoảng 4.000 mặt hàng nhập khẩu từ sản phẩm hoàn thiện cho đến nguyên liệu thô. Đến tháng 4, Indonesia bổ sung thêm quy định hạn chế nhập khẩu hàng điện tử bao gồm máy điều hòa, tủ lạnh và máy tính xách tay. Kể từ đó, hơn 26.000 container đã bị mắc kẹt tại hai cảng biển lớn nhất Indonesia là Tanjung Priok và Tanjung Perak do các thủ tục xin giấy phép quá phức tạp và rườm rà.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, hoạt động nhập khẩu đối với các sản phẩm điện tử, giày dép và dệt may sẽ trở lại quy trình trước đây, nghĩa là chỉ cần giấy phép nhập khẩu nhưng không đòi đánh giá kỹ thuật. Các mặt hàng như mỹ phẩm, bao bì và van công nghiệp sẽ không còn đòi hỏi giấy phép nhập khẩu. Ông cho biết thêm, mặc dù nhập khẩu thép vẫn sẽ cần giấy phép và khuyến nghị, nhưng chính phủ hứa sẽ đẩy nhanh quá trình.
Tháng trước, Indonesia cũng đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với một số mặt hàng được sử dụng làm nguyên liệu thô trong các ngành công nghiệp sau khiếu nại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, kêu gọi dỡ bỏ quy định hạn chế nhập khẩu mới, vì họ cho rằng, những quy định này gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và có nguy cơ làm tổn hại đến uy tín kinh tế của Indonesia.