Indonesia làm gì để tránh bẫy thu nhập trung bình?
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib mới đây đã cảnh báo rằng, Indonesia với mức thu nhập bình quân đầu người hiện tại khoảng 5.000 USD, có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu như không thật sự nỗ lực phối hợp để phát triển khu vực sản xuất.
Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2011 cho thấy, trong số 101 quốc gia thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 nước trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008. Mỹ Latin và Trung Đông là ví dụ điển hình khi hầu hết các nước ở khu vực này đã đạt thu nhập trung bình vào những năm 1960 song vẫn tiếp tục kéo dài tình trạng đó cho đến nay.
![]() Nguồn: ITN |
Giới chuyên gia cho rằng, cơ sở hạ tầng có thể là đòn bẩy giúp Indonesia bật lên khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình hiện nay. Nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho thấy rủi ro cao nhất đối với sự tăng trưởng và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là vấn đề cơ sở hạ tầng yếu kém ở Indonesia, với tình trạng giao thông tắc nghẽn, cắt điện thường xuyên và hệ thống internet chậm... không thể hỗ trợ cho nền kinh tế đang trong đà tăng trưởng. Bên cạnh cơ sở hạ tầng, Indonesia cũng cần tập trung vào ba lĩnh vực khác quan trọng không kém.
Thứ nhất là hệ thống tài chính. Indonesia cần phát triển thị trường tài chính cho phép nguồn vốn được phân bổ một cách hiệu quả nhất. Muốn vậy, cần phải có thị trường chứng khoán hoạt động tốt, hệ thống thanh toán liên tục dựa trên khuôn khổ pháp lý ổn định. Cũng như ở nhiều nền kinh tế đang phát triển khác, hệ thống tài chính của Indonesia chủ yếu là các ngân hàng, điều dễ dẫn đến tình trạng nút thắt cổ chai tài chính. Nguồn vốn chủ yếu của các ngân hàng là tiền gửi ngắn hạn trong khi đầu tư hiệu quả lại dưới các hình thức dài hạn và nhiều rủi ro. Trong khi đó, các nhà đầu tư dài hạn, chẳng hạn như các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm, vẫn chưa tích cực tham gia vào thị trường nợ kém phát triển. Thị trường nợ của Indonesia vẫn còn đang trong giai đoạn đầu so với các nền kinh tế khác ở châu Á. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán Jakarta chỉ chiếm khoảng 40% GDP, thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (69%), Philippines (96%), Malaysia (144%).
Thứ hai là thể chế. Mặc dù tầm quan trọng của vấn đề này không rõ ràng nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy vấn đề thể chế chứ không phải tình trạng hạn chế nguồn lực là lý do chính cản trở phát triển kinh tế. Các nhà đầu tư và tài trợ thường gặp nhiều vấn đề liên quan đến các quy định, chính sách đối với người nghèo hay mối liên hệ với các cơ quan nhà nước.
Thứ ba là đầu tư vào nguồn nhân lực. Một lực lượng lao động được đào tạo quan trọng như một mạng điện thoại đáng tin cậy trong nền kinh tế. Indonesia có hệ thống giáo dục lớn thứ tư trên thế giới, nhưng lại xếp ở hạng cuối trong số 65 quốc gia tham gia Chương trình khảo sát giáo dục quốc tế gần đây nhất. Về thị trường lao động, lực lượng lao động của Indonesia vẫn đứng trong hàng ngũ các nước có tính cạnh tranh cao nhất thế giới nếu so về mức lương thực tế. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành nước có thu nhập cao, Indonesia không chỉ dựa vào nguồn lao động giá rẻ như một lợi thế cạnh tranh. Khi tiền lương tăng, các nhà sản xuất thấy mình không thể cạnh tranh với những nhà sản xuất khác có chi phí thấp hơn tại các thị trường xuất khẩu nên tiếp tục tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn. Đây chính là trường hợp của một số nước ở Mỹ Latin và Trung Đông đang bị mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình.
Nguồn nhân lực có trình độ sẽ giúp chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng mới, tập trung vào sự sáng tạo và năng lực công nghiệp. Trong mô hình này, các yếu tố công nghệ, nghiên cứu và phát triển, quyền sở hữu trí tuệ... tương tác với nhau mà không có rào cản, tạo thành động cơ cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn.