Indonesia sẽ nhập 2 triệu tấn gạo
Dẫn số liệu của cơ quan Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam sau Philippines và Trung Quốc. Lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng qua đạt 143.786 tấn, tương đương 67,31 triệu USD, giá bình quân 468 USD/tấn, tăng 337 lần về lượng và tăng 303 lần về kim ngạch. Tuy vậy, giá xuất khẩu bình quân gạo giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng lượng xuất khẩu sang Indonesia lại chiếm 16% trong tổng lượng xuất khẩu gạo và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, sau phiên họp do Tổng thống Joko Widodo chủ trì bàn thảo về bảo đảm lương thực, thực phẩm và công tác chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ hồi giáo Idul Fitri năm 1444H (2023) vào ngày 24.3.2023 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã ra quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể.
Lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá gạo, hỗ trợ gạo cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác. Cơ quan hậu cần quốc gia - Preum Bulog tiếp tục được chỉ định là đầu mối nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nước này cũng gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ từ 1,2 lên 2,4 triệu tấn nhằmbảo đảm an ninh lương thực.
Cụ thể, Indonesia có kế hoạch thu mua 70% lượng gạo trong tổng số 2,4 triệu tấn trong vụ thu hoạch chính (từ tháng 2 – 4.2023). Theo Cơ quan thống kê Indonesia, sản lượng thóc thu hoạch của nước này trong từ tháng 1 – 4.2023 ước đạt 23,82 triệu tấn tương đương với 13,79 triệu tấn gạo, tăng 0,56% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, trong năm 2023 nước này phấn đấu đề ra mục tiêu sản xuất 54,5 triệu tấn thóc tương đương với 32,07 triệu tấn gạo và tương đương với mục tiêu năm 2022. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Indonesia dự báo hiện tượng EL Nino có thể xảy ra gây hạn hán vào từ tháng 5 – 7.2023, vì vậy có khả năng sẽ ảnh hưởng tới diện tích và sản lượng ở vụ thu hoạch tháng 7 – 8.2023.
Tuy đang trong vụ thu hoạch chính nhưng tình hình thu mua gạo dự trữ trong nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Cơ quan hậu cần quốc gia, đến nay, cơ quan này mới chỉ thu mua được 60.000 tấn, trong khi lượng gạo dự trữ hiện có trong kho (tính đến trước ngày 25.3.2023) chỉ còn vào khoảng 280 nghìn tấn.
Các chuyên gia nhận định, sự khó khăn trong việc thu mua bắt nguồn từ nguồn cung nội địa Indonesia khan hiếm do lượng lúa gạo thu hoạch thấp hơn dự kiến vì chịu ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều trong những tháng đầu năm nay. Cùng với đó là sự thiếu chính xác về số liệu thống kê diện tích gieo trồng cũng như cơ chế thu mua do Nhà nước ấn định giá bất cập, không theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, giá gạo bán lẻ trên thị trường trong tháng 3.2023 vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?
Trước tín hiệu nhu cầu từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi. Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.
Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Công thương để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân (nếu cần).