Indonesia: Cuộc chung sống khó khăn giữa lập pháp và hành pháp

Thành An 07/10/2014 08:42

Mặc dù đa phần người dân Indonesia đều đặt niềm tin vào chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Joko Widodo và Quốc hội khóa mới, song không thể phủ nhận một thực tế là sự vênh nhau giữa cơ quan hành pháp và lập pháp sẽ đặt ra không ít thách thức.

560 thành viên Quốc hội Indonesia được bầu trong cuộc bầu cử lập pháp vừa qua đã tuyên thệ nhậm chức, chưa đầy ba tuần trước khi chính phủ của Tổng thống đắc cử Joko Widodo chính thức hoạt động. Cần lưu ý rằng ông Widodo sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với tỷ lệ tín nhiệm thấp hơn và gần như không nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội như người tiền nhiệm của ông - Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, người đã đắc cử hai lần vào các năm 2004 và năm 2009. Bối cảnh chính trị quốc gia đã thay đổi đáng kể từ khi ông Susilo nắm quyền, đặt ra nhiều khó khăn và thách thức cho ông Widodo để điều hành đất nước một cách hiệu quả nếu các nhà lập pháp cư xử theo bản năng. Giới phân tích dự báo về một cuộc chiến khốc liệt ngay sau khi Widodo chính thức nhậm chức vào ngày 20.10.

Tổng thống đắc cử Widodo sẽ phải đối mặt với thách thức kiểm soát mối quan hệ với Hạ viện. Đảng Dân chủ Indonesia đấu tranh (PDI-P) và ba đảng khác trong liên minh chỉ chiếm được 37% số ghế trong Hạ viện đầy quyền lực của Indonesia. Điều này có thể khiến ông Widodo gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước, nhất là khi đảng Gerindra của ông Prabowo Subianto - người vẫn từ chối chấp nhận kết quả cuộc bầu cử - là đảng lớn thứ ba trong Hạ viện.

Một thách thức nữa từ Quốc hội là theo luật mới, các nghị sỹ sẽ có thêm quyền hạn - cụ thể là trong hoạt động đối ngoại bên cạnh các chức năng giám sát, lập pháp, và ngân sách, do đó, các nghị sỹ có thể yêu cầu đổi hộ chiếu công vụ sang hộ chiếu ngoại giao vốn thường chỉ dành cho các nhân viên ngoại giao. Với nhiệm vụ ngoại giao mới, các nhà lập pháp sẽ có các chuyến ra nước ngoài thường xuyên hơn so với những người tiền nhiệm. Hiện vẫn chưa rõ các nghị sỹ sẽ thực hiện nhiệm vụ ngoại giao thế nào, nhất là khi xét tới khía cạnh kinh nghiệm. Rõ ràng các nhà lập pháp khó đáp ứng đủ điều kiện để đảm nhiệm những công việc quan trọng ở nước ngoài vì hầu hết không thông thạo ngoại ngữ, thiếu khả năng hay kỹ năng cần thiết trong ngoại giao, và quan trọng hơn, đàm phán các vấn đề chiến lược với đối tác bên ngoài không phải là công việc của các nhà lập pháp, mà thuộc về các nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Luật Thương mại năm 2014 quy định cho phép Quốc hội chấp thuận hoặc phản đối bất kỳ hiệp định thương mại nào với các nước, khiến các cuộc đàm phán thương mại - vốn thường do các nhà ngoại giao chuyên nghiệp và các quan chức Bộ Thương mại đảm nhiệm - nhiều khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các đảng chính trị vì lợi ích chính trị. Chính phủ có nguy cơ trở thành “con tin” của các cuộc chiến tranh giành quyền lợi trong Quốc hội.

Trước đó, giới phân tích đã dự đoán về một nhiệm kỳ không dễ dàng đối với Tổng thống Widodo trong bối cảnh ông Widodo có ít kinh nghiệm điều hành chính phủ và không quan tâm nhiều đến việc thu hút các trí thức. Ông cho biết sẽ không điều đình, thương lượng các ghế nội các theo cách thông thường, thay vào đó sẽ bổ nhiệm các bộ trưởng dựa vào trình độ đào tạo, đặc tính và các kỹ năng phù hợp. Tuy nhiên, bốn chính đảng trong liên minh của ông sẽ thúc ép, đòi ông phải “trả ơn” sự ủng hộ của họ đối với ông trong chiến dịch tranh cử. Do vậy, ông Widodo sẽ phải cân nhắc giữa những thực tế chính trị và lợi ích quốc gia.

Thách thức tiếp theo là việc cắt giảm ngân sách dành cho trợ cấp nhiên liệu. Mặc dù các đảng chính trị hỗ trợ chính quyền Yudhoyono, như đảng Golkar, Công lý Quốc gia (PAN) và đảng Phát triển Thống nhất (PPP), đã ủng hộ chính sách cắt giảm trợ cấp nhiên liệu nhưng không có gì bảo đảm họ sẽ ủng hộ kế hoạch tăng giá nhiên liệu của Chính phủ Widodo. Trớ trêu thay, đảng PDI-P, chỗ dựa chính của ông Widodo, sẽ buộc phải hỗ trợ chính sách tăng giá nhiên liệu không được lòng dân của ông mặc dù dưới thời Chính quyền Yudhoyono, PDI-P luôn chống lại chính sách tăng giá nhiên liệu. Việc quyết định giảm trợ cấp nhiên liệu và coi đây là một chính sách quan trọng vì lợi ích ngắn hạn sẽ bị coi là hành động thiếu trách nhiệm của cả hai phe đối lập và đảng cầm quyền mới, PDI-P.

Trong khi đó, hệ thống pháp lý với đầy rẫy các vụ tham nhũng và trào lưu chủ nghĩa dân tộc kinh tế đã và đang làm tổn hại đến danh tiếng của Indonesia như là một trong những điểm đến đầu tư nóng nhất ở châu Á. Ông Widodo - người được biết đến với chủ trương bảo hộ nền công nghiệp trong nước trong khi có cách tiếp cận thực dụng với đầu tư nước ngoài khi làm Thống đốc Jakarta - sẽ có cả cơ hội và thách thức để thay đổi tình hình này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Indonesia: Cuộc chung sống khó khăn giữa lập pháp và hành pháp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO