Số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy, khoảng 290.000 người ở nước này tử vong mỗi năm do hút thuốc lá và gánh nặng kinh tế của việc hút thuốc lên tới 531.800 tỷ Rupiah (36 tỷ USD) vào năm 2017, cao hơn gấp 3,6 lần so với nguồn thu ngân sách từ thuế thu tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
Đối mặt với tình trạng này, Chính phủ Indonesia đã đưa ra các quy định mới, theo đó cấm bán thuốc lá lẻ theo điếu, cấm bán thuốc lá qua máy bán hàng tự động tại các địa điểm như khu vực xung quanh trường học và khu vui chơi của trẻ em, cũng như cấm bán thuốc lá cho những người dưới 21 tuổi và phụ nữ mang thai.
Trên các trang web và nền tảng thương mại điện tử vẫn cho phép bán thuốc lá, nhưng với điều kiện xác minh được tuổi của người mua. Ngoài ra, các nhà sản xuất và nhập khẩu sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử phải đăng thông tin về rủi ro sức khỏe trên bao bì.
Vào tháng 11.2022, Bộ Tài chính Indonesia thông báo quốc gia này sẽ tăng trung bình 10% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vào năm 2023 và tiếp tục tăng 10% vào năm 2024, trong đó mức tăng thuế đối với thuốc lá cuốn bằng máy sẽ cao hơn các loại khác, trong nỗ lực kiểm soát tiêu thụ sản phẩm này.
Cùng với việc tăng thuế, Chính phủ Indonesia còn lên kế hoạch siết chặt các quy định kiểm soát thuốc lá còn tương đối lỏng lẻo nhằm hạn chế số lượng trẻ em hút thuốc đang ngày càng gia tăng.