Các nước đang phát triển cần đầu tư 1,2 nghìn tỷ USD cho an sinh xã hội cơ bản

- Thứ Ba, 22/09/2020, 09:24 - Chia sẻ
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) vừa công bố  Báo cáo Khoảng trống tài chính trong bảo trợ xã hội. Theo đó, để bảo đảm được an ninh thu nhập cơ bản và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho tất cả mọi người chỉ riêng cho năm 2020, các nước đang phát triển cần đầu tư khoảng 1,2 nghìn tỷ USD - trung bình khoảng 3,8% GDP của họ.

Báo cáo đã ước tính toàn cầu và chiến lược cho các nước đang phát triển trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid -19 và các giai đoạn tiếp theo, kể từ khi đại dịch Covid -19 mới bắt đầu bùng phát, khoảng trống tài chính trong bảo trợ xã hội đã tăng thêm gần 30%. Đây là hệ quả của sự gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an ninh thu nhập của người lao động bị mất việc trong thời gian phong tỏa và mức giảm GDP do khủng hoảng gây nên.

Thực hiện chi trả hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19.

Đối với các nước có thu nhập thấp, vấn đề này sẽ đặc biệt khó khăn hơn do họ sẽ phải chi tới gần 16% GDP, tương đương 80 tỷ USD, để thu hẹp khoảng trống này. Xét theo khu vực, khu vực Trung và Tây Á, Bắc Phi và Châu phi hạ Sahara phải đối diện với gánh nặng về thu hẹp khoảng trống ở mức đặc biệt cao (khoảng 8-9% GDP). Ngay cả trước cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid -19, cộng đồng toàn cầu đã không đảm bảo được những cam kết về chính sách pháp luật về bảo trợ xã hội đã đưa ra sau thảm họa toàn cầu gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Hiện nay chỉ có 45% dân số toàn cầu thuộc diện bao phủ của ít nhất một cơ chế bảo trợ xã hội hiệu quả. Số dân còn lại, tương đương hơn 4 tỷ người, hoàn toàn không được bảo vệ. Chính vì thế, một số nước đã tìm các nguồn đổi mới sáng tạo nhằm mở rộng không gian tài khóa cho việc mở rộng phạm vi bảo trợ xã hội như đánh thuế hoạt động thương mại của các công ty công nghệ lớn, áp thuế đơn nhất đối với các công ty quốc gia, đánh thuế các giao dịch tài chính hay vé máy bay. Báo cáo cho biết, với những chính sách thắt lưng buộc bụng đã phải áp dụng ngay cả khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra, những nỗ lực này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đòi hỏi nguồn lực quốc tế trong bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn Covid -19. 

Giám đốc Vụ Bảo trợ Xã hội ILO, Shahrashoub Razavi cho biết “Các nước thu nhập thấp phải đầu tư xấp xỉ 80 tỷ USD, tương đương gần 16% GDP của họ, để ít nhất đảm bảo an ninh thu nhập và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho tất cả mọi người. Các nguồn lực trong nước hầu như không đủ. Việc thu hẹp khoảng trống tài chính hàng năm đòi hỏi những nguồn lực quốc tế dựa trên tinh thần đoàn kết toàn cầu.”

Theo ILO, nguồn lực huy động của quốc tế cần bổ trợ cho những nỗ lực quốc gia. Các thiết chế tài chính quốc tế và các cơ quan hợp tác phát triển đã triển khai một số gói tài chính nhằm hỗ trợ chính phủ các nước đang phát triển giải quyết những tác động khác nhau do khủng hoảng gây nên nhưng vẫn cần thêm nguồn lực để thu hẹp khoảng trống tài chính, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp.

Nguyễn Minh