Những con ma bước ra thế giới

Kim Khánh ghi 21/07/2014 08:35

Nhà thơ Việt Phương, thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết: tại Hội nghị Geneva năm 1954, những gì Việt Nam đạt được với Hiệp định Geneva thật sự có ý nghĩa. Bởi, lần đầu tiên, thế giới biết đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Lần đầu tiên những người bị gọi là “những con ma” bước ra thế giới sánh vai với các nước khác trên trường quốc tế, khẳng định vị thế, tiếng nói của mình”.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng (thứ hai từ phải) và các Trường đoàn các nước đến dự Hội nghị Geneva
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng (thứ hai từ phải) và các Trường đoàn các nước đến dự Hội nghị Geneva
Hội nghị bắt đầu năm 1954, nhưng nhiều thành viên trong Đoàn Việt Nam DCCH chuẩn bị cho trận đánh trên mặt trận ngoại giao từ cuối năm 1953. Khi đó, ông Trần Việt Phương đang làm công tác phát động quần chúng giảm tô, giảm tức trong cải cách ruộng đất thì được gọi về để tham gia đoàn đi Hội nghị Geneva. Là thư ký của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thư ký riêng của Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Geneva năm 1954, ông Trần Việt Phương đã dự tất cả cuộc họp của Đoàn và được giao quản lý tài liệu của Đoàn gồm biên bản 32 phiên họp.

“Con ma đến đây này!”

Chúng tôi sang đến Geneva đầu năm 1954. Lộ trình khá dài, đi từ Hà Nội sang Nam Ninh, rồi Bắc Kinh, sau đó sang Moscow và từ đó mới sang Geneva. Máy bay sang Thụy Sỹ chỉ chở được vài chục người, có ba bác sỹ đi cùng để lo sức khỏe cho Đoàn, trong đó có hai người giỏi tiếng Pháp giúp Đoàn tiếp khách.

Hội nghị Geneva khai mạc chính thức ngày 8.5 thì chiều 7.5 bên nhà có tin về chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Những giọt nước mắt rưng rưng, những cái bắt tay thật chặt giữa các thành viên trong đoàn Việt Nam DCCH. Tin ta thắng hoàn toàn tại Điện Biên Phủ cũng làm cho thái độ của Pháp thay đổi hẳn.

Thời đó, trong cách gọi Việt Minh và Việt Nam DCCH của phương Tây thì chúng ta chỉ là “những con ma”. Ta chưa được công nhận quốc tế mà thế giới chỉ mới biết đến cái tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, họ gọi chúng ta là những bóng ma, tức là không có thật. Hôm đầu tiên Đoàn Việt Nam gặp Đoàn Pháp, hai Trưởng đoàn bắt tay nhau. Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng nói: “Hôm nay, con ma đến đây này”.

Vị Trưởng đoàn đặc biệt

Phạm Văn Đồng là người nghĩ nhanh, viết nhanh. Có người nói ông viết tiếng Việt và tiếng Pháp như cái máy viết. Ông Phương cho rằng, Phạm Văn Đồng là người học được ở Hồ Chí Minh nhiều điều, trong đó có phẩm chất “nhìn rộng, nghĩ xa, thấy trước”, lúc nào cũng kỹ lưỡng, sâu xa, cân đi nhắc lại, một cách tuyệt đối.

Trong quá trình đàm phán, ngoài phần chuẩn bị sẵn, bao giờ Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng cũng viết ra những ý kiến phát biểu tại chỗ của mình. “Đôi khi những ý tưởng mới bật ra trong đầu ông bằng tiếng Pháp và ông lập tức viết ra những ý đó để đưa cho phiên dịch, bảo “lát nữa các cậu đọc như thế này”, nhưng lại nói bằng tiếng Việt!”.

Khi phát biểu kết thúc Hội nghị, các đoàn đều đánh giá về thành công, đóng góp, cảm tưởng... Riêng Trưởng đoàn Việt Nam đứng lên, tại Hội nghị Geneva nhưng mặt hướng về phía Tổ quốc mình, đau đớn nói: “Tất cả cuộc chiến đấu của chúng ta mới chỉ được nửa đường thôi. Tổ quốc vẫn bị chia cắt. Chúng tôi đã cố hết sức, hết lòng, phấn đấu mọi cách mà mới mang lại cho đất nước ta có thế này thôi, và chúng ta cần phải tiếp tục”. Anh em trong Đoàn bật khóc...

Khi kết thúc Hội nghị và trở về, không một người nào vui, đặc biệt là anh em miền Nam, vì biết là nửa phần đất nước, nơi quê hương mình đang bị chia cắt. Tuy nhiên, kết quả mà Đoàn đàm phán Việt Nam đạt được là thắng lợi có ý nghĩa: lần đầu tiên Việt Nam đã có vị trí của mình, đã được tính là một quốc gia, dân tộc, không còn là nô lệ, không còn là người dân bị mất nước nữa. Hội nghị Geneva cũng là kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam trong những lần tham gia đàm phán quốc tế sau này, thể hiện rõ nhất là ở Hội nghị Paris, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, đem lại thống nhất cho nước nhà.

 Nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh: Bài học bao quát là tư tưởng độc lập, tự chủ

Đánh giá thắng lợi của Việt Nam tại Geneva, nhiều vấn đề nhất trí nhưng cũng có điểm cần phân vân. Thắng lợi của ta là buộc Pháp kết thúc chiến tranh, Pháp công nhận quyền dân tộc của Việt Nam mà tại Hiệp định sơ bộ 1946 chúng không chịu công nhận. Ta có miền Bắc hoàn chỉnh để xây dựng và làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Ta có cơ sở pháp lý vững vàng để chống sự can thiệp, xâm lược của Mỹ sau này. Đây là thành quả của quân dân Việt Nam sau gần một thập kỷ đấu tranh hy sinh gian khổ.

Tuy nhiên, do không có đàm phán song phương và do những khó khăn, Việt Nam chịu một số thiệt thòi. Vùng do Việt Nam kiểm soát hụt mất gần 3 tỉnh; ta đòi có tổng tuyển cử sau 2 năm nhưng rồi không có vì đây là một điều khoản không có tính khả thi. Cũng cần thấy rằng kết quả Geneva gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là thắng lợi của một trận đánh, một chiến dịch lớn, chứ chưa phải là một thắng lợi quyết định, chưa phải là thắng lợi kết thúc chiến tranh như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa. Sau Điện Biên Phủ, so sánh lực lượng chưa có sự thay đổi về cơ bản, vẫn theo thông lệ Pháp 45, Việt Nam 30 (45/30), Pháp vẫn có khả năng đưa thêm quân sang Đông Dương và được Mỹ tiếp tục giúp…

Trước nay ta đánh giá cao Điện Biên Phủ là đúng nhưng chưa thấy được rõ so sánh lực lượng hai bên và tác động đối với việc kết thúc chiến tranh. Vì vậy ta coi Hiệp định Geneva chưa tương xứng với thắng lợi Điện Biên Phủ. Trước hết là vào một giai đoạn nhất định của chiến tranh cần tạo cục diện vừa đánh vừa đàm. Chiến tranh giữa hai nước lớn có thể không cần đánh đàm. Nhưng một nước nhỏ chống một nước lớn nhất định phải kết hợp ngoại giao với quân sự. Dùng ngoại giao để kiềm chế kẻ thù, tranh thủ quốc tế, tác động vào nội bộ nước địch và nếu được thì kéo địch dần dần xuống thang. Trong đấu tranh ngoại giao trước hết phải hiểu được chiến lược và tính toán của các nước lớn. Trước hết là đối phương, đồng minh của họ và của ta. Nói rộng ra phải hiểu thế giới, hiểu thời đại, biết địch, biết ta, biết bạn.

Bài học quan trọng khác là nghệ thuật, kỹ năng ngoại giao và đàm phán. Bắt đầu từ chiến lược đàm phán: mục đích, yêu cầu, bài bản bước đi rồi đến xây dựng lập luận, vận dụng chính nghĩa và pháp lý rồi đến cung cách đàm phán cho toàn cục và từng vấn đề. Rồi nghệ thuật mặc cả đấu tranh, kết hợp cứng, mềm, vấn đề gì có thể thỏa hiệp, thỏa hiệp đến đâu, vấn đề gì ta kiên quyết bảo vệ, không nhân nhượng… Ở Geneva, do sức ép của các nước lớn, nhất là Trung Quốc, có vấn đề ta nhân nhượng, chưa mặc cả quyết liệt.

Bài học bao quát của đàm phán Geneva là tư tưởng độc lập, tự chủ. Nhìn tổng quan Hội nghị, có thể thấy một số vấn đề quan trọng do Trung Quốc thỏa thuận với Pháp. Tổng kết Hội nghị, Phạm Văn Đồng nói gọn: Ta chưa độc lập tự chủ, ta cả tin bạn. Nguyên nhân ta thiếu độc lập, tự chủ trước hết là do trong kháng chiến, ta phụ thuộc vào Trung Quốc về một số mặt, ta tư duy nặng theo ý thức hệ, lấy tinh thần quốc tế vô sản làm trọng, ta thiếu hiểu biết thế giới và ý đồ của các bên. Đặc biệt, ta chưa thấy được ý đồ và tính toán sâu hiểm của Trung Quốc và Chu Ân Lai. Rút bài học từ Geneva, đến đàm phán Paris, Việt Nam vững vàng độc lập, tự chủ, ngồi tay đôi với Mỹ, gạt mọi sức ép, tránh các sai lầm, giành thắng lợi ở mức cao nhất có thể được.

    Nổi bật
        Mới nhất
        <i>Những con ma</i> bước ra thế giới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO