Đi từ CON NGƯỜI VIỆT NAM
Không cần bàn tới những triết lý học thuật hàn lâm, không gò mình vào khuôn mẫu nhất định, mở rộng tư duy nhưng cũng không để trái tim vọng ngoại… Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ PHAN THANH BÌNH cho rằng, cốt cán của giáo dục phải tạo ra CON NGƯỜI VIỆT NAM, trí thức và văn hóa.
Thấm nhuần văn hóa Việt
- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, trước ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa, con người Việt Nam đang ít nhiều bị tác động. Ông hình dung thế nào con người Việt Nam trong 10 - 20 năm nữa?
- Con người mới Xã hội Chủ nghĩa có lòng yêu nước, mang tinh thần dân tộc… là hình mẫu rất đẹp mà chúng ta đang vươn tới. Tất nhiên, định nghĩa rõ ràng nhất là trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Ở góc độ giáo dục, tôi cho rằng, đấy là CON NGƯỜI (viết hoa), trí thức và văn hóa. CON NGƯỜI tức là sống một cách đàng hoàng, biết trước, biết sau, giàu tính nhân văn, hòa nhập với cộng đồng, với môi trường. Sau CON NGƯỜI đó phát triển lên là CON NGƯỜI trí thức, rộng hơn là CON NGƯỜI có văn hóa. CON NGƯỜI trí thức là tự nhận biết mình ở đâu, trách nhiệm đối với đất nước, cộng đồng ra sao, biết thể hiện văn hóa ra cuộc sống thế nào... Khi nhận biết được mình, nhận biết được cộng đồng thì tự biết điều chỉnh trong mọi việc.
- Vậy theo ông, đâu là cái gốc xây dựng con người Việt Nam mới?
- Trước hết phải là CON NGƯỜI VIỆT NAM. Anh đâu thể là người không có Tổ quốc? Văn hóa của anh đâu thể lơ lửng, lưng chừng? Mà đã là người Việt Nam phải thấm nhuần văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam, mang tư duy Việt Nam.
Nền tảng CON NGƯỜI và phương pháp
- Để hình thành những yếu tố đó, vai trò của giáo dục thể hiện ra sao, thưa ông?
- Hiện nay, cả hệ thống giáo dục đều ý thức và cố gắng phấn đấu đáp ứng yêu cầu xây dựng con người Việt Nam. Nói như vậy không phải hiện nay chúng ta không có những yếu tố đó nhưng thực sự chưa trọn vẹn. Đôi khi, ta đặt nặng về kỹ năng, kiến thức, trong khi cái gốc như tôi nói ở trên, ấy là CON NGƯỜI, sau đó mới ra CON NGƯỜI VIỆT NAM. Rõ ràng, nếu đào tạo con người, đầu tiên phải dạy cho các em tính độc lập, tự chủ, mỗi người phải biết mình ở đâu, nhận thức cuộc sống, trách nhiệm như thế nào. Không thể nói rằng, nhận thức đến 18 tuổi mới có, mà đó phải là những thói quen hình thành từ khi còn bé. Chẳng hạn, phản xạ khi thấy người lớn thì chào hỏi, ra đường gặp chuyện không hay thì có thái độ… Văn hóa, cái chất của con người phải ngấm vào mình, từ từ đi lên như vậy.
![]() Con người Việt Nam trước hết phải thấm nhuần văn hóa Việt Nam |
- Sau dạy làm người, theo ông chúng ta còn cần quan tâm những điều gì?
- Ngoài dạy làm người như đã phân tích, chúng ta cần dạy phương pháp và những kiến thức mới. Hiện nay, lượng kiến thức rất lớn và đi rất nhanh, chúng ta không thể dạy các em tất cả. Nhiều học sinh hiện nay có thể giải bài toán theo nguyên tắc có sẵn nhưng để tổng hợp, vận dụng thì không mạnh; các em làm văn, đúng ra bắt đầu từ quan sát, sắp xếp ý tưởng, nhưng sử dụng văn mẫu đã triệt tiêu quá trình đó... Do vậy, vấn đề phương pháp đặt ra tương đối khó. Tiếp đó, phải quan tâm trang bị kiến thức công nghệ mới trong thời đại phát triển mạnh về công nghệ thông tin, mạng xã hội… Khó có thể đào tạo ngay một nghề nghiệp chuẩn mực, nhất là khi công nghệ đang thay đổi nhanh, mà cần trang bị nền tảng CON NGƯỜI và phương pháp, từ đó các em sẽ biết cách tự điều chỉnh, lắp mình vào bộ máy xã hội. Đương nhiên, đây là đứng ở góc độ vĩ mô, còn từ lý tưởng đó đến hiện thực sẽ phức tạp hơn.
Muốn làm tốt, phải đi từ tốn
- Không thể phủ nhận thực tế đang đặt ra vô vàn thách thức để đạt được những thay đổi như ông vừa phân tích?
- Đây là một cuộc cách mạng mà chúng ta phải làm, nhưng không thể thoát ly khỏi điều kiện kinh tế, lịch sử… và phải xuất phát từ chính những con người Việt Nam cụ thể. Mỗi người có quyền độc lập, tự do, có suy nghĩ riêng nhưng phải nghĩ đến trách nhiệm xã hội. Song hiện nay, vế thứ hai dường như ít hơn. Tôi nhìn ra đang có nhiều đổi mới nhưng để đột biến thì chắc khó. Muốn làm tốt, phải đi từ tốn.
- Con người là mục tiêu, là động lực để phát triển. Nhưng động lực hay thách thức cũng nằm ở chính con người, thưa ông?
- Khác triết lý phương Tây nặng về vật chất, với những quy định pháp luật cụ thể, phương Đông nặng về đạo lý, quan hệ. Nhưng giai đoạn nào cũng có điểm nhấn riêng. Hồi xưa, do phương thức sản xuất, của cải xã hội chưa nhiều thì đạo lý là giá trị gốc của xã hội, thậm chí là động lực sáng tạo. Trong bối cảnh mới, khi công nghệ, kỹ thuật phát triển, của cải vật chất trở thành một nhân tố tác động mạnh vào nhiều thứ, xã hội sẽ thay đổi, phân hóa, và đạo đức xã hội cũng thay đổi theo. Rõ ràng, không thể cứ giữ mãi cái đạo lý thứ bậc của thời phong kiến… Mà khi những thứ bậc này bị thay đổi thì quan hệ xã hội sẽ thay đổi. Vậy giờ đây phải nhìn nhận ra sao? Không thể điều chỉnh để con người trở về như ngày hôm qua, cái của ngày hôm qua có còn phù hợp với xã hội hiện tại nữa không? Còn cái cho hôm nay ta vẫn đang xây dựng.
Hiện nay, điều chỉnh hệ thống xã hội đang chậm hơn sự gia tăng thu nhập. Trước kia là sự mặc định, trong quan hệ có thể chia sẻ, tự hiểu với nhau, nhưng bây giờ cần phải rõ ràng dựa trên hệ thống luật pháp. Có điều, hệ thống ấy, theo tôi, chưa mạch lạc, đầy đủ. Đó cũng là yêu cầu của Quốc hội là phải nhìn nhận được vấn đề. Trong đó, theo tôi, phải đi từ CON NGƯỜI VIỆT NAM cụ thể.
- Xin cảm ơn ông!