Đất diễn cho múa không chuyên

Linh Lan 04/08/2012 08:41

Cứ 2 năm một lần, liên hoan múa không chuyên diễn ra nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các vùng miền. Nhưng có một thực tế là phong trào múa phát triển chưa đồng đều, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật của nhiều chương trình nghệ thuật của các địa phương.

Không thể phủ nhận, sau mỗi dịp liên hoan múa không chuyên, nhiều tiết mục đã gây được tiếng vang. Những tiếng vang đó chủ yếu thuộc về các tiết mục múa dân gian ở một số tỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh thuộc miền Tây Bắc, nơi còn giữ được phần nào nét sinh hoạt văn hóa thông qua các lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, việc phát triển nghệ thuật múa ở nhiều tỉnh đang vấp phải những khó khăn, trong khi thưởng thức loại hình nghệ thuật này ở các địa phương thời gian gần đây không phải ít. Múa có mặt ở nhiều chương trình, lễ hội lớn…

Theo đánh giá của giới chuyên môn hầu, hết các chương trình có múa chưa đạt chất lượng cao về nghệ thuật. Các tiết mục múa ít sự sáng tạo, mới lạ. Đặc biệt, ít các tiết mục múa khai thác, tôn vinh bản sắc văn hóa địa phương. Trong khi chất liệu múa dân gian vốn được xem là “đặc sản” của mỗi địa phương. Quá trình hội nhập, múa cần được kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Các tiết mục múa trong nhiều chương trình nghệ thuật của địa phương mới thiên về quy mô hoành tráng mà chưa chú trọng đến việc khai thác chất liệu này.

Mới đây, tại một hội thảo về múa, NSND Chu Thúy Quỳnh nhận định, không ít tiết mục múa đã làm mất đi vị thế, sức mạnh của mình do chất lượng kém. Nhiều bài hát trong các chương trình chính trị, ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước… nhưng dàn múa vẫn đưa ra các động tác đá chân, dạng chân, bê, xoạc ngang tầm những hình ảnh linh thiêng đặt ở vị trí trên cao. Điều này thật phản cảm. Do đó, mặc dù múa xuất hiện với tần suất lớn trong các chương trình nghệ thuật lớn nhỏ, song chủ yếu lại trở thành các tiết mục múa trang trí. Không ít tiết mục múa được khai thác lại nhiều lần ở nhiều chương trình trong thời gian dài nhưng không có sự cách tân, thậm chí sự dàn dựng lại còn kém cỏi hơn. “Có những tiết mục múa được biên đạo tên tuổi đầu tư công sức dàn dựng nhưng sau đó được yêu cầu diễn lại ở chương trình khác, các diễn viên diễn theo trí nhớ nên chất lượng giảm sút, dấu ấn của biên đạo không còn…”, một diễn viên múa trẻ cho biết.  

Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương thiếu đội ngũ biên đạo múa tài năng và dàn diễn viên chuyên nghiệp. Tỉnh Hà Nam là một ví dụ khi có thời điểm cả tỉnh chỉ có 3 biên đạo múa. Con số quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Điều này, ảnh hưởng đến việc gây dựng phong trào, cũng như chất lượng chương trình. Bên cạnh đó, diễn viên múa chủ yếu là không chuyên được lấy từ các trường học. Họ đến với múa chỉ bằng tấm lòng say mê mà chưa qua đào tạo. Đây chính là điều bất cập khi múa là môn nghệ thuật tổng hợp, người diễn viên múa phải dùng chính hình thể của mình để diễn tả hình tượng nội dung vở diễn. Họ phải kết hợp để hài hòa giữa âm nhạc, ánh sáng, hội họa và cả yếu tố khán giả… mới tạo ra được sự hoàn chỉnh cho một tác phẩm múa. Chiểu theo các tiêu chí này thì diễn viên múa không chuyên ở các địa phương khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, vì là đội ngũ diễn viên không chuyên nên họ ít có thời gian cho việc luyện tập, chỉ tham gia khi cần. Trong khi nghề múa đòi hỏi người diễn viên phải tâm huyết, dồn công sức cho việc tập luyện…

Làm sao để nâng cao chất lượng phong trào múa không chuyên nói riêng và nghệ thuật múa nói chung? Đây là điều đã được đặt ra nhiều năm qua tại không ít địa phương. Hiện nay, khi phong trào múa không chuyên đã có những bước phát triển, thì việc tạo ra sân chơi là điều cần thiết. Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc đã được Bộ VH, TT và DL tổ chức thành công nhiều lần, đem lại hiệu ứng tích cực cho phong trào múa. Điểm lại, nhiều tiết mục đã giành giải cao trong các kỳ liên hoan múa không chuyên đều là những tiết mục thể hiện được rõ nét bản sắc văn hóa vùng miền. Đây có thể xem là định hướng để mỗi địa phương tự xác định khi xây dựng các tiết mục múa. Điều này sẽ tạo nên sự gần gũi và là cơ hội phát huy, bảo tồn nền văn hóa dân gian trong đời sống đương đại ở ngay tại địa phương mình.

Nhiều ý kiến cho rằng, Sở VH, TT và DL ở các địa phương nên chủ động nghiên cứu để tổ chức Liên hoan múa không chuyên, tạo sân chơi thiết thực, đồng thời có sự đánh giá tổng quát về múa không chuyên của địa phương mình. Từ đó, có định hướng để phong trào phát triển tích cực hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân. Đồng thời, để đảm bảo nguồn diễn viên thường xuyên, các tỉnh nên chú trọng công tác đào tạo diễn viên trẻ bằng cách dạy múa cơ bản tại các trường mầm non, mở lớp múa tuổi thơ để các cháu ngay từ nhỏ đã được tiếp cận với múa, đến với múa một cách tự nguyện.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        <i>Đất diễn</i> cho múa không chuyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO