Bố già của điện ảnh Trung Hoa

Vinh Hà 17/04/2014 08:45

Nếu không có Ngô Thiên Minh (Wu Tianming), các đạo diễn nổi danh như Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou) và Hoàng Kiến Tân (Huang Jianxin) sẽ phải khó khăn hơn nhiều để bước vào ngành điện ảnh Trung Quốc và cuộc cách mạng phim ảnh của những đại diện thuộc Thế hệ thứ Năm sẽ không diễn ra hay ít nhất là sẽ không mang hình hài như nó vốn có.

Đạo diễn Ngô Thiên Minh
Đạo diễn Ngô Thiên Minh

Bán tất để mua vé xem phim

Có nhiều giai thoại về niềm đam mê phim ảnh của đạo diễn sinh ra ở tỉnh Thiểm Tây này. Đổi tất để mua vé xem bộ phim mình yêu thích hay trả tiền cho anh trai sao chép bài tập về nhà của bạn học để có nhiều thời gian đến rạp chiếu phim là những kỷ niệm mà Ngô Thiên Minh chia sẻ trong một lần trả lời phỏng vấn của Nhân dân nhật báo năm 2009.

Là diễn viên của hãng phim Tây An rồi tốt nghiệp chương trình đạo diễn của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Ngô Thiên Minh bắt đầu làm phim vào cuối năm 1970 - đắm mình trong phong cách truyền thống được gọi là “chủ nghĩa hiện thực xã hội”. Nhiều câu chuyện của ông miêu tả cuộc sống nông thôn không tô vẽ và ảm đạm - hoàn toàn khác với những bộ phim về đề tài nông dân trong thời điểm đó.

Niềm đam mê đạo diễn dường như có sẵn ở trong con người Ngô Thiên Minh. “Ngay từ đầu, điều tôi thực sự muốn làm luôn luôn là đạo diễn phim bởi tôi tin rằng đạo diễn điện ảnh là linh hồn của bộ phim và số phận của bộ phim luôn nằm trong tay đạo diễn. Trong những năm 1970, điện ảnh Trung Quốc đã trải qua một thời kỳ khó khăn và toàn bộ ngành thật u ám. Tôi có phần ngạo mạn và cũng rất quyết tâm làm những bộ phim lớn cho công chúng Trung Quốc để làm sao thay đổi được tình hình của công nghiệp điện ảnh. Tôi đã đọc rất nhiều sách về đạo diễn phim và cũng tự học rất nhiều”, ông từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí Glass vào tháng 11.2013.

Trong tổng số hơn mười bộ phim do ông đạo diễn và sản xuất có hai phim gây tác động rất lớn sau khi phát hành. Cuộc sống (Life, 1984) kể về một thanh niên thành thị được gửi đến dạy học ở vùng sâu vùng xa và nảy sinh tình cảm với một cô gái địa phương. Thầy giáo trẻ phải đối mặt với sự chọn lựa khắc nghiệt: hoặc là theo đuổi giấc mơ học hành nơi thành thị hoặc là tình yêu với cô gái thôn quê. Đây là vấn đề của cả một thế hệ thanh niên Trung Quốc, cho nên bộ phim gây tiếng vang trong xã hội Trung Quốc bấy giờ.

Với Giếng cũ (Old Well, 1986), tên tuổi Ngô Thiên Minh chính thức bước vào bản đồ điện ảnh thế giới. Trong bộ phim về những người dân quê đấu tranh cho quyền tiếp cận nguồn nước quý giá trên mảnh đất khô cằn ở Tây Bắc Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu từ một anh chàng quay phim và chưa hề có kinh nghiệm diễn xuất đã tỏa sáng với vai chính Tôn Vượng Tuyền, thậm chí còn giành nhiều giải thưởng như giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ hai và danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc giải Kim Kê (Trung Quốc) lần thứ tám.

Giếng cũ vẫn được coi là một tác phẩm kinh điển trong trường phái làm phim theo chủ nghĩa hiện thực. Bộ phim đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim uy tín của Trung Quốc lẫn quốc tế như Kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo và Kim Kê lần thứ tám, giải đặc biệt của Hiệp hội phê bình phim Hawaii, Mỹ…

Sứ mệnh đưa cái đẹp trở lại xã hội

Những thành tựu của Ngô Thiên Minh chỉ giới hạn ở việc đạo diễn phim nhưng, ông đã để lại một di sản quan trọng. Ông được mệnh danh là “bố già” của một thế hệ nhà làm phim mới - những người vẫn đang hoạt động tích cực trong điện ảnh Trung Quốc hiện nay như Trương Nghệ Mưu. Từ năm 1984, ông trở thành người trẻ nhất nắm vai trò phụ trách hãng phim Tây An (Xi’an Film Studio), trụ sở nằm ngoài khu vực trung tâm của ngành điện ảnh. Ông đã biến vị trí thứ yếu của trường quay này thành một lợi thế bằng cách sử dụng một nhóm sinh viên mới tốt nghiệp tham gia vào các dự án đi ngược với thị hiếu thẩm mỹ thông thường.

Dưới sự lãnh đạo của ông, một loạt phim mang tính đột phá đã được thực hiện và phát hành, trong đó là Hắc pháo sự kiện (The Black Cannon Incident, 1985) của Hoàng Kiến Tân, Kẻ trộm ngựa (The Horse Thief, 1986) của Điền Tráng Tráng (Tian Zhuangzhuang) và nổi bật nhất là Cao lương đỏ (Red Sorghum, 1987) của Trương Nghệ Mưu.

Sau mấy năm lưu vong ở Mỹ, ông trở về Trung Quốc năm 1994 và đạo diễn một số phim, trong đó gây tiếng vang với phim Vua mặt nạ (The King of Masks). Sự xuất hiện đáng nhớ cuối cùng của ông trên màn ảnh là vai chính trong phim hài Vòng xoay trọn vẹn (Full Circle, 2012) của đạo diễn Trương Dương (Zhang Yang).

Hơn ai hết, đạo diễn Ngô Thiên Minh hiểu rõ điểm yếu của điện ảnh nước nhà. “Trong điện ảnh Trung Quốc và thậm chí trong xã hội ngày nay, chúng ta đang đối mặt với rất nhiều vấn đề. Con người thì hời hợt, thiếu cảm xúc và tin tưởng lẫn nhau. Nhiều bộ phim Trung Quốc mà chúng ta xem ngày nay dựa trên câu chuyện có thật nhưng hiếm khi chạm vào trái tim và tâm hồn chúng ta. Chúng ta quên phim ngay sau khi xem. Điều này là do các nhà làm phim đã không đặt trái tim và tâm hồn của họ vào bộ phim”.

Trong một phỏng vấn gần đây với hãng tin Tân Hoa Xã, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã  nói về người thầy của mình: “Tôi cảm thấy rằng ông không hạnh phúc. Ông không thể thực hiện những bộ phim ông muốn làm. Và ông không thích làm việc chỉ để phục vụ cho những người khác. Ông cũng chẳng khá giả gì… Ông đã muốn làm rất nhiều thứ, chẳng hạn như xây dựng một hiệp hội điện ảnh, thành lập một học viện điện ảnh…”.

Đạo diễn Trần Khải Ca thì phát biểu trên tờ Southern Metropolis Daily rằng Ngô Thiên Minh là “người tốt, thẳng thắn và trung thực. Tôi không bao giờ quên sự hỗ trợ và giúp đỡ của ông”. Còn Woody Mu, cựu thành viên ban quản trị hãng phim Warner Bros (Mỹ), bạn của Ngô Thiên Minh trong thời gian ông ở Los Angeles nhận xét “ông là một trong số ít đạo diễn Trung Quốc không đánh đổi trái tim và linh hồn mình cho lợi ích cá nhân và chính trị. Ông là người sống dựa trên giá trị của mình và không bao giờ bỏ cuộc”.
Đạo diễn Ngô Thiên Minh qua đời hôm 4.3.2014 sau một cơn suy tim, thọ 75 tuổi.

Đạo diễn Ngô Thiên Minh và Trương Nghệ Mưu nhận giải thưởng với phim Giếng cũ
Đạo diễn Ngô Thiên Minh và Trương Nghệ Mưu nhận giải thưởng với phim Giếng cũ
 Trong tạp chí Glass tháng 11.2013, đạo diễn Ngô Thiên Minh đã kể lại kỷ niệm làm phim Giếng cũ với Trương Nghệ Mưu. Khi đó, ông cùng ê kíp làm phim đã mất khá nhiều thời gian nhưng vẫn chưa tìm được người đóng vai nam chính. “Mười ngày trước khi bắt đầu quay phim, tôi đã gọi cậu ấy và nói: “Tôi đã tìm thấy diễn viên rồi”. Cậu ấy rất ngạc nhiên và hỏi tôi: “Ai vậy?”. Tôi trả lời: “Cậu đấy”.

Dĩ nhiên là anh chàng họ Trương rất ngạc nhiên, “cả đoàn làm phim nghĩ rằng cả hai chúng tôi đều điên. Nhưng tôi luôn tin rằng có điều gì đó rất đặc biệt ở Trương Nghệ Mưu mà không ai khác có thể mang đến cho bộ phim này. Cậu ấy rất độc đáo. Khi đóng phim, cậu ấy chẳng cho chúng tôi thấy gì ngoài sự tận tụy. Hàng ngày cậu ấy xách mười thùng nước về cho làng... Cậu ấy sụt mất 9kg trong quá trình làm phim đấy. Tôi cho rằng nếu tất cả diễn viên Trung Quốc có thể làm việc bằng một nửa nỗ lực mà Trương Nghệ Mưu đã làm, có lẽ điện ảnh Trung Quốc đã ở một vị thế rất khác rồi.

Tôi không ngạc nhiên tí nào về thành tựu của cậu ấy ngày nay. Rất ít người có thể đạt được những gì mà cậu ấy đã làm được. Thậm chí ngày nay, cậu ấy rất khắt khe với chính mình và luôn cố gắng để làm hết sức. Cậu ấy có rất ít nhu cầu cho bản thân và không nghi ngờ rằng cậu ấy là một đạo diễn xuất sắc”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        <i>Bố già</i> của điện ảnh Trung Hoa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO