Hy Lạp trước bóng tối của Bình minh vàng

- Thứ Năm, 03/10/2013, 08:04 - Chia sẻ
Hy Lạp chấn động sau cái chết của Pavlos Fyssas, ca sỹ nhạc rap kiêm nhà hoạt động chống phát xít 34 tuổi bị một thành viên đảng Bình minh vàng sát hại. Cái chết của Fyssas đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên khắp Hy Lạp kéo dài hơn một tuần qua, đẩy quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải này vào cuộc khủng hoảng mới, trong bối cảnh Athens vẫn đang phải giải quyết nhiều khó khăn kinh tế từ cuộc khủng hoảng nợ công.

Vụ việc xảy ra vào đêm 17.9, rạng sáng ngày 18.9 theo giờ địa phương, tại một quán cafe dành cho tầng lớp lao động bình dân ở Karatsini thuộc vùng ngoại ô thủ đô Athens. Xô xát xảy ra giữa Fyssass và nhóm bạn của anh với một nhóm cực đoan trong trang phục quần túi hộp và áo đen sau khi trận bóng đá kết thúc. Fyssas đã tử vong do nhiều nhát dao đâm ở vùng ngực và đầu. Vài giờ sau đó, cảnh sát đã bắt giữ hung thủ, người đã thừa nhận là thành viên của đảng cực hữu Bình minh vàng.

Bất chấp việc Bình minh vàng phủ nhận có liên quan tới vụ sát hại nêu trên, hàng nghìn người Hy Lạp đã đổ xuống các đường phố ở thủ đô Athens cùng nhiều nơi khác phản đối chủ nghĩa phát xít và kêu gọi Chính phủ dẹp bỏ tổ chức cực hữu này. Tuy vẫn còn nhiều nghi vấn xung quanh vụ ám sát, song cái chết của Fyssas đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hy Lạp. Nhà bình luận chính trị người Hy Lạp Giorgos Kyrtsos cho biết, khoảng cách giữa phe cánh tả và cánh hữu vốn tồn tại từ sau cuộc nội chiến năm 1946 – 1949 nhưng luôn được duy trì ở trạng thái cân bằng. Vụ sát hại Fyssas đã đẩy mọi thứ vượt quá giới hạn và đây chỉ là giọt nước tràn ly.


Cờ của đảng Bình minh vàng Nguồn: The Star
Khủng hoảng - mảnh đất của chủ nghĩa cực hữu

Bình minh vàng nổi lên như một nhánh của chủ nghĩa cực hữu ở Hy Lạp, vốn bắt nguồn từ chính quyền của cựu độc tài Ioannis Metaxas những năm 1930. Tiền thân của đảng này là Phong trào Phổ biến quốc gia, được thành lập vào năm 1980 bởi cựu đặc công Nikolaos Michaloliakos, người hiện là Chủ tịch Bình minh vàng. Báo chí Hy Lạp cho biết, đảng này được tổ chức theo quân luật. Chủ tịch đảng Michaloliakos là thủ lĩnh có thẩm quyền tối cao.

Từng bị đại bộ phận cử tri dè chừng do cổ súy chủ nghĩa tân phát xít, đảng Bình minh vàng đã dần gia tăng ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế Hy Lạp lâm vào khủng hoảng. Để đổi lấy những khoản viện trợ của châu Âu, Chính phủ Hy Lạp phải đẩy mạnh việc thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng với hy vọng tránh nguy cơ vỡ nợ. Mặt trái của chính sách khắc khổ này là tình trạng thất nghiệp tăng cao, trợ cấp an sinh xã hội bị cắt giảm, người dân sống trong cảnh nghèo đói và tuyệt vọng. Hiện, tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp lên tới mức kỷ lục 28% và số người nghèo không ngừng gia tăng trong 6 năm qua. Cùng với đó, sự phẫn nộ của người dân ngày càng tăng do không đồng tình với chính sách cắt giảm của Chính phủ và quá bất mãn trước nạn tham nhũng của các chính đảng có tiếng nói, tiền lương và hưu trí của người lao động thì do các chủ nợ châu Âu chi phối, trong khi làn sóng nhập cư tiếp tục đổ về Hy Lạp khiến cơ hội tìm việc làm của người dân càng bị thu hẹp hơn.

Đảng Bình minh vàng nổi lên như diều gặp gió với chủ trương phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng, đổ lỗi cho Chính phủ các nước khu vực Eurozone nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung là thủ phạm gây ra khủng hoảng, cũng như cáo buộc những người nhập cư đã cướp việc làm của dân bản địa. Đảng này áp dụng chính sách dân túy với các chương trình phân phát thực phẩm cho người nghèo, nhưng những đồ phân phát này không dành cho dân ngoại lai.

Trong cuộc bầu cử tháng 10.2009, trước khi Hy Lạp bị hạ mức tín dụng, Bình minh vàng chỉ giành được chưa đầy 1% phiếu bầu và không có ghế nào trong Nghị viện. Tuy nhiên, sau hai lần Athens nhận gói cứu trợ tài chính của châu Âu và nỗ lực cắt giảm chi tiêu triệt để của Chính phủ, số phiếu mà đảng cực hữu này giành được trong cuộc bầu cử năm 2012 đã tăng lên 7% phiếu bầu và đảng này hiện đã có 18 nghị sỹ trong Nghị viện gồm 300 ghế. Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây, đảng Bình minh vàng đang chinh phục được khoảng 13% cảm tình của cử tri và được coi là lực lượng chính trị lớn thứ ba trên toàn quốc.

Chính đảng hay tổ chức tội phạm?

Vụ sát hại Fyssas vừa qua là vụ bê bối mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công do các thành viên hoặc người ủng hộ đảng Bình minh vàng thực hiện. Trong nhiều tháng qua, Bình minh vàng đã lan truyền chủ nghĩa bài ngoại và gia tăng ảnh hưởng tại vùng Piraeus và ba cộng đồng lân cận gồm Keratsini, Nikaia và Perama, nơi tỷ lệ thất nghiệp đã vượt 40%. Bình minh vàng đã trở thành nỗi ám ảnh của những người nhập cư và đồng tính ở Hy Lạp do lo sợ bị các thành viên đảng này tấn công. Mùa đông năm ngoái, lực lượng quân sự của tổ chức này đã đột kích văn phòng của một tổ chức phi chính phủ mang tên Bác sỹ không biên giới tại Perama và yêu cầu trục xuất những người nhập cư tại đây.

Lời khai của một số cựu thành viên Bình minh vàng mà cảnh sát thu thập được cho biết, nhóm này đã thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội, trong đó có các vụ ngộ sát hoặc cố ý sát hại, đánh đập người nhập cư và tấn công người đồng tính trên đường phố. Theo cựu Phó công tố viên Tòa án Tối cao Hy Lạp Charalambos Vourliotis, tổ chức theo chủ nghĩa phát xít kiểu mới này bắt đầu thực hiện các vụ tấn công bằng vũ khí từ năm 1987. Các tài liệu cho biết thêm rằng đảng này tuân thủ những nguyên tắc mà Adolf Hitler áp dụng. Theo Mạng lưới Theo dõi các vụ bạo lực phân biệt chủng tộc ở Hy Lạp, ước tính có khoảng 300 vụ án nghiêm trọng do các băng nhóm cực hữu ở nước này thực hiện trong vòng 2 năm qua.

Dẹp bỏ Bình minh vàng - nhiệm vụ không đơn giản

Trước làn sóng biểu tình phản đối chủ nghĩa tân phát xít, Chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras đã cho điều tra, khám xét các chi nhánh của Bình minh vàng trên toàn quốc. Qua các vụ khám xét, cảnh sát đã tịch thu nhiều loại vũ khí và bắt giữ một số thành viên, trong đó có cả Chủ tịch đảng Bình minh vàng Nikolaos Michaloliakos và 4 nghị sỹ thuộc đảng này. Giới chức Hy Lạp cho biết, các điều tra viên đã có đủ chứng cớ để kết tội đảng Bình minh vàng vì tổ chức và hoạt động băng đảng tội phạm. Chủ tịch và một số thành viên chóp bu của đảng này sẽ phải ra hầu tòa. Hiện, các công tố viên còn đang điều tra xem Bình minh vàng có liên quan tới 30 vụ tấn công bạo lực khác hay không.

Tuy nhiên, Chính phủ đang lâm vào thế khó, bởi Hiến pháp Hy Lạp không cho phép loại bỏ một chính đảng có ghế trong Nghị viện. Mới đây, Bình minh vàng đã cảnh báo sẽ rút toàn bộ 18 nghị sỹ thuộc đảng này khỏi Nghị viện, nhằm thách thức chính quyền Samaras. Khi đó, Hy Lạp sẽ phải tổ chức các cuộc bầu cử bổ sung hoặc thậm chí phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tiến hành bầu cử sẽ khiến tình hình ở Hy Lạp thêm bất ổn.

Ngay cả khi các nghị sỹ đảng Bình minh vàng bị kết án thì những nhân vật này vẫn được hưởng quyền miễn trừ truy tố. Các nghị sỹ trong Nghị viện Hy Lạp cũng đồng tình rằng, sự trỗi dậy nhanh chóng của đảng Bình minh vàng trong thời gian qua là do những bất ổn triền miên trong xã hội Hy Lạp và sự bất mãn của người dân đối với chính sách kinh tế khắc khổ của Chính phủ. Trong bối cảnh Athens sẽ phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu hơn nữa để đáp ứng các điều kiện của bộ ba chủ nợ châu Âu, nhận khoản cho vay tiếp theo trị giá 1 tỷ euro (1,4 tỷ USD) trong thời gian tới, có nhiều dự đoán cho rằng, ngay cả khi Bình minh vàng bị cấm hoạt động thì đảng này sẽ sớm hồi sinh, hoặc có thể sẽ là sự trỗi dậy các lực lượng cực hữu khác.

Thanh Chi