Chị Đ.T.T.H. (41 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) là mẹ của 3 bé gái và 4 bé trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Chị đã trải qua 7 lần sinh mổ, trong đó có 5 lần sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Trong lần thứ bảy mang thai, do tiền sử đã có 6 lần mổ đẻ, 1 lần mổ phụ khoa, tuổi cao và bị tiểu đường thai kỳ, gia đình chị H. quyết định nhập viện Phụ sản Trung ương. “Lần này, tôi bị tiểu đường thai kỳ nên cũng khá lo lắng”. chị H nói.
Khi được hỏi về động lực sinh mổ 7 lần, chị H. cùng chồng vui vẻ tâm sự do gia đình thích đông con và những lần mang thai trước đều khỏe mạnh nên anh chị sẵn sàng tiếp tục sinh bé thứ 7.
Trao đổi về trường hợp đặc biệt này, TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, trong suốt 35 năm làm nghề sản khoa, đây mới là lần thứ hai ông thực hiện ca mổ hy hữu có số lần mổ đẻ nhiều đến thế.
"Năm 1996, mới vào nghề, tôi lúc đó đang là bác sĩ nội trú tại Cộng hòa Pháp đã mổ lấy thai cho 1 phụ nữ châu Phi mổ đẻ lần thứ 7. Đẻ thường đã là nguy hiểm, còn sản phụ mổ đẻ đến 7 lần là trường hợp rất hiếm. Trước một ca đặc biệt, tôi rất quan tâm làm sao để tốt cho mẹ và bé, rất vui ca mổ đã thành công, em bé chào đời khóc to, hồng hào”, TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh cho hay.
Sau ca mổ, bé trai nặng 3,1kg trao đời khỏe mạnh. Chị H. và em bé được chăm sóc tại phòng hậu phẫu. Hàng ngày, người mẹ được các bác sĩ đến thăm khám, tư vấn chăm sóc vết mổ như chiếu tia plasma để vết mổ lành nhanh. Em bé được massage, chiếu tia plasma rốn và thực hiện sàng lọc sơ sinh.
Theo TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh, có thai và sinh đẻ nói chung đều là những thay đổi rất lớn trong người phụ nữ. Các cặp vợ chồng phải có sự chuẩn bị từ trước khi mang thai, cho đến khi có thai các sản phụ phải quản lý thai kỳ, thực hiện việc sàng lọc trước sinh, chuẩn bị cho việc sinh nở làm sao cho "mẹ tròn con vuông".
TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh nhấn mạnh, khoảng cách giữa các lần sinh đẻ với số lần đẻ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người phụ nữ. Sau mỗi lần mang thai, sinh đẻ, người phụ nữ cần có thời gian hồi phục sức khỏe ngay cả với thai kỳ bình thường.
Trên thực tế, bệnh lý của thai kỳ (do có thai mà phát bệnh) không ít và có thể rất nghiêm trọng như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, các bệnh lý của bánh rau, các bất thường thai nhi.
Do đó, phụ nữ khi lập gia đình phải đi làm các thăm khám xem tình trạng trước mang thai. Khi có thai, sản phụ phải được quản lý thai kỳ, được các bác sĩ thăm khám, đánh giá thai kỳ thường xuyên và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho mẹ, cho bé. Đặc biệt, cuộc đẻ phải được chuẩn bị kỹ càng.
Bên cạnh đó, TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh cũng khuyến nghị các gia đình nên thực hiện tốt chính sách dân số, tuân thủ việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản theo hướng dẫn của cơ quan y tế để đảm bảo an toàn cho mẹ và sức khỏe cho thai nhi cùng trẻ sơ sinh.