Xin cảm ơn PGS.TS. Bùi Văn Hưng đã nhận lời trò chuyện với Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp năm mới 2024.
Bắt kịp xu thế thị trường lao động
- PGS.TS có thể chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân về kết quả khiến ông tâm đắc nhất trong năm qua?
- Cám ơn Báo Đại biểu Nhân dân! Xin kính chúc các anh chị một năm mới tràn đầy hạnh phúc và thành công!
Có lẽ với tôi, thành công nhất của 2023 là việc nhà trường đã vực dậy và phát triển được ngành logistic – với gần 200 sinh viên đang theo học, tăng hơn 100% so với kế hoạch đặt ra, chúng tôi đạt và vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh với đạt tỷ lệ 110,3%.
Thú thật, logistic là một ngành đã được cấp phép từ năm 2018 nhưng bao năm qua chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có thời điểm không tuyển sinh được. Song năm nay, không chỉ tuyển sinh cao mà chúng tôi còn thí điểm đào tạo đánh giá theo năng lực thực hiện trong ngành logistic Việt Nam hệ sơ cấp được 02 lớp, được cấp chứng chỉ bởi Strategix Training Group Australia, với khoảng 40 học sinh. Kết quả này một lần nữa khẳng định hướng đi đúng đắn, bắt kịp và đón đầu xu thế của Nhà trường khi quyết định mở ngành từ nhiều năm trước; Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cũng đã ký hợp tác đào tạo nhân lực hàng không với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA), dự kiến bắt đầu tuyển sinh, đào tạo từ năm học 2024.
Đặc biệt, năm nay, năm 2023 cũng là năm chuyển đổi số thành công của Nhà trường khi chúng tôi đã áp dụng thành công LMS - Hệ thống quản lý học tập bao gồm: các khóa học (tài liệu học, lớp học...), người dùng (học viên, giảng viên, admin…) và việc học (quá trình học tập, đào tạo, triển khai các lớp, đánh giá, báo cáo...) vào quản lý, vận hành đào tạo.
- Vậy còn những kết quả khác thì sao, thưa PGS.TS?
- Bên cạnh logistic, chuyển đổi số, Nhà trường cũng đã triển khai một số chương trình đào tạo theo modul. Đây là chương trình đào tạo mang tính mềm dẻo, linh hoạt, cho phép người học học từng modul, tích lũy đủ số lượng modul sẽ được cấp bằng, người học có thể tham gia vào thị trường lao động khi kết thúc modul, có thể quay lại học tiếp modul tiếp theo nếu đủ số lượng modul theo quy định sẽ được cấp bằng cao đẳng hoặc trung cấp theo nhu cầu của người học. Ngoài ra, năm 2023 cũng là năm chúng tôi đạt và vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh với 2.550 HSSV, đạt tỷ lệ 110,3%. Tổng số HSSV tốt nghiệp năm 2023 là 763/946 đạt 80,6%; trong đó Cao đẳng là 407/484, đạt tỷ lệ 84,1%. Số các em ra trường có việc làm và tự tạo việc làm đạt cao, duy trì ở mức trên 90%.
Và sau tất cả những nỗ lực trên, chúng tôi đã được bù đắp bằng việc bảo đảm ổn định việc làm, đời sống và tăng trưởng thu nhập cho cán bộ, giảng viên và người lao động. Mức tăng tối thiểu đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng; tối đa đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng.
Bối rối vì … “cơ chế”
- Thưa PGS.TS, những kết quả trên cho thấy sự nỗ lực của tập thể trong đó có cá nhân ông trước bối cảnh đầy khó khăn của ngành, của đất nước. Tuy nhiên, đằng sau đó ắt còn nhiều điều trăn trở?
- Vâng, rất nhiều trăn trở!
Đó là sự bối rối trong thực hiện cơ chế tự chủ. Như Chị biết đấy, HVCT là 1 trong 3 trường thực hiện thí điểm tự chủ đầu tiên của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, theo Quyết định số 538/QĐ-TTg, ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (nay là HVCT) giai đoạn 2016 – 2019. Tuy nhiên, cơ chế tự chủ của nhà trường có độ vênh với cơ chế chính sách hiện hành. Do đó, rất vướng trong hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như vận hành của nhà trường.
Kế đó là việc dạy 4 môn văn hóa trong Nhà trường chưa có hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo; trong khi Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có hiệu lực từ ngày 24.12.2022. Điều này không chỉ là vấn đề tồn tại của HVTC mà còn là tồn tại của các cơ sở GDNN khác. Nếu không sớm giải quyết, sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các em học sinh và hoạt động giảng dạy của các trường.
- Vậy còn vấn đề giáo viên dạy vượt giờ thì sao, thưa PGS.TS?
- Quả thực, đây cũng là điều làm chúng tôi đau đầu. Theo quy định tại Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01.3.2023, định mức giờ giảng của giáo viên GDNN dạy trình độ cao đẳng, trung cấp giảm so với quy định cũ như sau: Từ 350 đến 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; từ 400 đến 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp. Định mức giờ giảng trong một năm học của giáo viên dạy trình độ sơ cấp, giáo viên dạy các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: Từ 450 đến 580 giờ chuẩn giảm số giờ tối thiểu so với quy định cũ từ 500 đến 580 giờ chuẩn.
Với quy định này, các trường nghề rất khó để bảo đảm không vi phạm. Bởi lẽ, việc tuyển dụng một giáo viên dạy nghề không hề dễ. Hơn nữa, trên thực tế các giáo viên dạy nghề đều dạy vượt khung giờ quy định và họ vẫn bảo đảm chất lượng, sức khỏe… Nếu không cho phép dạy vượt giờ trong Nhà trường nơi họ đang có biên chế, họ vẫn có thể dạy thêm ở các cơ sở GDNN khác trong khi chúng tôi đang rất thiếu giáo viên nghề. Về vấn đề này, thiết nghĩ cần có sự điều chỉnh hợp lý hơn, tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng.
Tự tin bước vào 2024
- Năm 2023 đã khép lại trong dư âm của thắng lợi. Vậy 2024 Nhà trường đã đặt mục tiêu, chiến lược hành động như thế nào?
- Năm 2024 được nhận định là sẽ còn nhiều khó khăn đối với GDNN. Nhất là việc tuyển sinh với các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn thành phố. Nhưng chúng tôi đủ tự tin để duy trì thắng lợi của 2023 và làm tốt hơn nữa ở 2024.
Trước bối cảnh này, chúng tôi nhận thức sâu sắc phải “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” để cùng nhau đưa HVCT phát triển, xứng tầm là Trung tâm đào tạo thực hành nghề Chất lượng cao miền Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
- Vậy cụ thể các giải pháp là gì, thưa PGS.TS?
- Vâng, chúng tôi đã xác định được 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chú trọng xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong nhà trường, bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất chính trị, có năng lực chuyên môn. Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo, đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường.
Thực hiện Quản trị nhà trường theo hướng chuyển đổi số. Tăng cường công tác tuyển sinh tại doanh nghiệp, các trường THPT tuyển sinh đạt 100% theo kế hoạch. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là tuyên truyền cho HSSV và người lao động biết những thông tin mới nhất, nhanh nhất để HSSV và người lao động biết được tính chất nghề mà mình muốn theo học để từ đó họ có thái độ, động cơ đúng với việc học nghề. Cùng với đó, khảo sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá nhu cầu thị trường lao động của từng địa phương để tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề đảm bảo đáp ứng việc làm sau đào tạo. Triển khai đào tạo trực tuyến một số môn học/modul. Đẩy mạnh công tác xây dựng bài giảng, tạo video cho các nghề của khoa, nâng cao kỹ năng đào tạo số và xây dựng các tài liệu điện tử trực tuyến.
Đặc biệt, chúng tôi quan tâm xây dựng hệ thống doanh nghiệp chiến lược, duy trì và phát huy mối liên kết giữa Trường với doanh nghiệp trong đào tạo, thực tập kết hợp sản xuất, trao quỹ học bổng, tuyển dụng và đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự tham gia vào quá trình đào tạo của trường…