Bây giờ chạy vắt ngang dòng sông Gâm, đoạn qua thị trấn Nà Hang, nối từ vách núi này sang vách núi khác đã là cả một tổ hợp công trình xây dựng đồ sộ, dài vài nghìn mét và cao trên dưới 124m. Lần lượt từ bờ trái sang là đập đá bêtông bàn mặt với chiều dài đập theo đỉnh là 717,9m, chiều rộng đỉnh đập là 10m, chiều cao là 124,2m. Tiếp đó là nhà máy thủy điện với 3 tổ máy, phần bao che đã xong với mái tôn đỏ tươi. Tổ máy số 1 đã khởi động không tải ngày 15.1 và 31.1 đã phát điện sẽ hoàn thành trong năm nay. Liền với nhà máy là đập bêtông trọng lực với chiều cầu trục khổng lồ, 8 cửa sâu và 4 cửa xả mặt. Hồ thủy điện Tuyên Quang nước dâng xấp xỉ cao độ 120m, chạy dài từ chân núi Pắc Tạ tới xã Thúy Loa, xã cuối cùng về phía thượng lưu của vùng hồ. Nhiều đỉnh đồi đã chìm trong nước. Núi non và sông nước tĩnh lặng. Lâu lâu một chiếc thuyền máy vẽ lên mặt hồ một vệt nước trắng thoáng một chút xao động. Ở thị trấn Nà Hang bây giờ xuất hiện nhiều đại lý tua du lịch lòng hồ – “Ngày trước nếu đi ôtô vào các xã Đà Vị – Yên Hoa phải mất 3 – 4 giờ. Nay đi đường thủy chỉ mất hơn 1 giờ”. Một đại lý cho chúng tôi cho biết như vậy. Trước khoảng sân rộng của nhà ông, dài thườn thượt một chiếc thuyền sắt đang được lắp đặt những ghế, những mui chờ ngày hạ thủy.
Từ thị trấn Nà Hang nhìn lên, nhà máy nom thật đẹp. Vào những ngày chuẩn bị khởi động tổ máy số 1, công trường chỉ mở hé một cửa xả sâu. Làn nước phủ lên mặt đập, trông xa như một dải lụa bạc. Chỉ những người trong cuộc mới nhớ đâu là vị trí cống dẫn dòng, nơi có một khối bêtông đồ sộ ghi dòng chữ “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Sau khi nước sông Gâm chảy qua đập tràn xả lũ, cống dẫn dòng đã được bịt lại vĩnh viễn, nằm sâu dưới vài ba mét đất đá. Đứng trên mặt đập hôm nay, nhìn ngược nhìn xuôi, tôi lại nhớ tới Nguyễn Duy Kiên – Phó giám đốc phụ trách thi công với những đêm mất ngủ vì nghĩ đến từng mét chiều ngang, từng mét chiều sâu, từng khối bêtông đổ xuống móng cống dẫn dòng. Kiên đã dời công trường, ngược dòng sông Đà lên tận Than Uyên làm thủy điện Huội Quảng từ mấy năm nay. Lại nhớ tới kỹ sư Nguyễn Văn Thuyết, Phó giám đốc với những bài toán kinh tế cho một công trình lần đầu tiên Tổng công ty sông Đà làm tổng thầu. Thuyết cũng đã rời công trường, đi xây dựng Nhà máy Ximăng Hạ Long. Và nhớ tới kỹ sư Dương Khánh Toàn, Giám đốc đầu tiên của Ban điều hành dự án. Dám nghĩ, dám làm, Toàn là người đóng góp rất quan trọng trong việc tổ chức thi công cống dẫn dòng, đào các hố móng và các công trình phụ trợ khác, khiến chỉ một năm sau ngày chính thức khởi công (22.12.2002) công trường đã chặn dòng sông Gâm đợt 1. Với tác phong đó, Dương Khánh Toàn cũng là người đẩy nhanh việc thi công trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La để tạo nên một mốc đáng nhớ trong lịch sử xây dựng thủy điện. Ngày khởi công cũng là ngày chặn dòng sông Đà đợt 1 (2.12.2005). Bây giờ Dương Khánh Toàn đã là Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà.
Không có gì là ngẫu nhiên cả. Tạo nên “Huyền thoại sông Gâm” hôm nay chính là những con người đã làm nên thủy điện Hòa Bình – một Điện Biên Phủ trên mặt trận kinh tế của thế kỷ trước và hàng loạt các công trình thủy điện ở Tây Nguyên. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Vũ Tiến Lăng, Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty sông Đà ôn lại 9 đợt thi đua trên công trường Tuyên Quang. Kể từ ngày khởi công cho đến hôm nay, khi tổ máy số 1 đã khởi động – “Kinh tế thị trường” ở đâu không biết, đối với người thợ sông Đà, được cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc vẫn là điều thiêng liêng nhất. Người đi trước kèm cặp người đi sau. Công nhân trẻ mới ra trường có thể được giao ngay những cỗ máy xúc, máy gạt hiện đại nhất. Kỹ sư trẻ mới ra trường, hai ba năm có thể đã là trưởng kíp, trưởng ca, đã là những cán bộ kỹ thuật cứng cho các công trường khác. 967 tập thể, 1.792 cá nhân đạt những thành tích xuất sắc đã được tôn vinh trên công trường. Các anh Nguyễn Văn Thọ (Công ty sông Đà), Nguyễn Duy Hoàn (Công ty sông Đà 5) được tuyên dương Anh hùng Lao động. Các kỹ sư Bùi Kính Hoàng (Giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện Tuyên Quang), Nguyễn Xuân Chuẩn (Giám đốc sông Đà 5) là Chiến sỹ thi đua toàn quốc.
Những ngày này, trong gian máy của Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, những người thợ lắp máy sông Đà khẩn trương lắp đặt những khối thiết bị đầu tiên của tổ máy số 2. Trong vị trí tổ máy số 2, bánh xe công tác, tuabin máy phát đã lắp xong. Stato đang được tổ hợp ở bãi lắp ráp. Ở tổ máy số 3, bánh xe công tác đã lắp đặt xong. Chúng tôi gặp Đội trưởng đội lắp máy Lê Huy Quất đang giám sát việc lắp đặt nắp tuabin máy phát tổ máy số 2. Anh cho biết: Nếu tổ máy số 1 là do những người thợ đã lắp đặt các tổ máy của Thủy điện Sê San 3A thực hiện, thì ở tổ máy số 2 đã là những người thợ trẻ mới, trưởng thành trên công trường. Kỹ sư Bùi Thức Khiết, nguyên Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình nhận xét: “Lúc đầu anh em có lúng túng, nhưng càng về sau, kỹ thuật càng thuần thục, tay nghề càng trưởng thành”. Dù đã về hưu, nhưng người kỹ sư này vẫn gắn bó với sự nghiệp xây dựng thủy điện, lên công trường làm cố vấn cho lớp thợ trẻ sông Đà hôm nay. Gặp kỹ sư Bùi Thức Khiết trong gian máy thủy điện Tuyên Quang, mọi lăn tăn của tôi về thợ lắp máy trẻ trên sông Đà được giải tỏa. Bởi có được một lời khen từ vị chuyên gia lão luyện này là việc không dễ.
Ở vùng rừng núi Nà Hang, có huyền thoại về 99 ngọn núi – 99 con phượng hoàng quy tụ ven dòng sông Gâm. Ở vào những năm đầu thế kỷ XXI này, vùng “đất cuối” này có thêm con phượng hoàng thứ 100, ngày và đêm phát sáng.
Chẳng mấy chốc, Nà Hang đã trở thành 1 thị xã. Vì theo quy hoạch khi xây dựng nhà máy, toàn bộ khu vực bờ phải của công trường sẽ được xây dựng thành một khu đô thị mà trục chính là một con đường chạy men theo bờ sông rộng hơn 10m, cùng với khu vực thị trấn huyện Nà Hang cũ làm thành một vùng dân cư trù phú.
Tổ máy số 1 Tuyên Quang vừa khởi động. Những người thợ sông Đà đã lại men theo dòng sông Gâm, ngược lên phía Hà Giang, quặt sang huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) chuẩn bị cho việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Bảo Lâm, cũng trên dòng sông Gâm huyền thoại này. Nhà máy có công suất khoảng 190 mê ga oát, sản lượng điện hàng năm khoảng 761 triệu kW/giờ.
Những người thợ sông Đà đang viết tiếp lịch sử hôm nay của dòng sông Gâm. Lại có thêm những chuyến xe chở khách Bảo Lạc – Mỹ Đình – Hà Đông xuôi ngược.
Ghi chép của Trương Cộng Hòa