Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thất, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị thiệt hại, gồm: 904,6ha lúa đổ và ngập, trong đó diện tích lúa bị đổ: 786,1ha lúa mùa (đã khắc phục buộc túm dựng lên 447,5ha; đến nay đã thu hoạch 17 ha); diện tích lúa bị ngập là 118.5ha; diện tích rau màu các loại bị đổ gãy, dập nát là 191,5ha (trong đó đã thu hoạch được 67,3ha, diện tích rau hữu cơ bị mất trắng 16ha, diện tích còn lại đang chăm sóc phục hồi); 4ha cây ăn quả bị đổ gãy…
Nhằm giảm thiệt hại do bão số 3 gây ra, Chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chỉ đạo và huy động các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tổ chức hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn huyện ra đồng nhanh chóng thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa, rau màu bị thiệt hại có khả năng thu hoạch, vệ sinh đồng ruộng, làm đất để chuyển sang trồng cây vụ đông sớm.
Tại xã Cần Kiệm, trước tình trạng nước trên sông Tích dâng cao, một số đoạn đê thuộc xóm Đông Thượng, cửa Đình Phú Đa, cổng đình Phú Lễ, khu Đầu Bạch thôn Phú Lễ thuộc xã Cần Kiệm bị tràn nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống Nhân dân. Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng lực lượng bộ đội, Công an huyện Thạch Thất đã tập trung đắp đê ngăn lũ. Đặc biệt, hoạt động đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo quần chúng Nhân dân.
Bí thư Chi bộ 3 thôn Phú Lễ Nguyễn Tấn Nhạc cho biết: chúng tôi thực hiện tuyên truyền, vận động đông đảo bà con đến tham gia công tác hộ đê, đắp đê mặc dù trời mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, việc đắp cũng khó khăn hơn, nhưng được sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã, các lực lượng đã kịp thời đắp đê chống tràn; luôn túc trực, sẵn sàng các biện pháp ứng phó. Đến nay, các lực lượng đã đắp được khoảng 850m bờ đê tại các khu vực thấp, khu vực nước có nguy cơ bị tràn. Chúng tôi vẫn luôn túc trực, sẵn sàng các biện pháp ứng phó.
Tham gia lực lượng phòng chống lũ lụt tại địa phương, Cụ Cầu - 83 tuổi ở thôn Phú Đa 2 muốn góp một phần công sức nhỏ, chung sức với chính quyền cùng thôn xóm để phòng chống bão lũ. Cụ Cầu chia sẻ: "không làm được việc nặng nhưng tôi có thể giữ bao tải cho mọi người xúc đất vào”.
Cụ Nguyễn Thị Chắt 82 tuổi ở cùng thôn Phú Đa 2 cũng cho biết: ngồi nhà nghe Đài truyền thanh xã, loa thôn thông báo ra đắp đê nên tôi cũng nóng ruột muốn ra ngoài này chung tay cùng mọi người.
Trực tiếp chỉ đạo công tác chống bão lũ, Phó Chủ tịch xã Cần Kiệm Kiều Văn Thi cho biết: “UBND xã đã huy động lực lượng, tập trung đắp được 1.430m đê bị tràn, đắp 1.600m đoạn đê có nguy cơ tràn. Tổ chức ứng trực 24/24 giờ, thường xuyên tuần tra các tuyến đê, có dấu hiệu của mạch đùn, mạch sủi, kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do cơn bão gây ra, ổn định đời sống Nhân dân...".
Bên cạnh việc khắc phục thiệt hại tại địa phương, nhằm phát huy sức mạnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ và các tầng lớp Nhân dân huyện Thạch Thất góp phần cùng với các địa phương khắc phục hậu quả của cơn bão lũ, UBND huyện Thạch Thất và các xã, thị trấn trên địa bàn đã cùng nhau hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội: "Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ", bảo đảm 100% các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các địa phương triển khai hưởng ứng tham gia ủng hộ.