Cụ thể, có 6 hồ, đập chứa, nước chảy qua mặt tràn từ 20 đến 60 cm. Một vài điểm vùng trũng, thấp trồng cây ăn quả, lúa bị ngập úng cục bộ. Tính đến nay, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản đang được cơ quan chức năng thống kê.
Đặc biệt, mưa to gây ra 5 điểm sạt lở, sạt trượt trên 2 tuyến đường giao thông về trung tâm xã Hộ Đáp và tuyến đường Kim Sơn - Biển Động với tổng chiều dài các điểm gần 40m. Trong đó có điểm sạt trượt taluy dương (chỉ độ dốc nơi mái nhà dốc lên khỏi mặt đường) tuyến đường ĐH85 về trung tâm xã Hộ Đáp, đoạn khu vực thôn Cái Cặn. Điểm sạt trượt có chiều dài khoảng 20m, chiều cao khoảng 6m với gần 100m3 đất đá làm chắn ngang đường giao thông.
Mưa lũ làm nhiều diện tích cây có múi tại xã Hồng Giang bị ngập. Nhiều địa bàn bị chia cắt tạm thời. Các xã bị nước ngập nặng nhất, như: Hồng Giang, Tân Lập, Tân Mộc, Hộ Đáp, Giáp Sơn và Tân Hoa.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, ngày 15.8, lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn đã kiểm tra hiện trường, nhanh chóng chỉ đạo đơn vị chuyên môn, UBND xã Hộ Đáp và các xã phối hợp với đơn vị thi công huy động phương tiện máy móc san, gạt khơi thông tuyến đường, bảo đảm giao thông thông suốt. Đến 11 giờ cùng ngày, công tác khắc phục đã hoàn thành.
Để chủ động ứng phó với các tình huống do mưa lũ, UBND huyện Lục Ngạn ra công văn chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động trong công tác phòng, chống mưa lũ trên địa bàn. Các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho nhân dân phòng, tránh; kiểm tra, rà soát, lập danh sách các hộ dân sống tại khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Sẵn sàng có phương án chủ động phòng tránh, ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đồng thời bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân.