Thiệt hại nặng nề về người và tài sản
Từ ngày 28.9 đến ngày 2.10, tổng lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ 250- 500mm. Riêng huyện Quỳnh Lưu 672 mm, Thanh Chương 575 mm. Sáng 2.10, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã có mưa lớn cục bộ gây ra lũ quét, ngập úng tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén.
Mưa lũ đã làm 7 người chết, trên 12.000 ngôi nhà bị ngập, 2.000 hộ dân phải sơ tán. Hơn 10.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 715 tấn muối bị hư hỏng. Đặc biệt có 57 điểm trường bị ảnh hưởng do lốc xoáy và mưa lũ gây ra.
Liên tục 2 ngày từ ngày 1-2.10, tại nhiều xã và thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, người dân đang phải gồng mình chống chọi, khắc phục hậu quả của trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đồng thời lo ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất có thể tiếp tục xảy ra bất cứ lúc nào.
Rạng sáng 2.10 tại thị trấn Mường Xén, mực nước dâng cao gây ngập lụt khắp khu vực khối 1, có nơi sâu gần 1m gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và các công sở. ''Nước lũ lên nhanh quá, về ban đêm nên không kịp trở tay, may người chạy được. Xe cộ trôi hết, còn cái khung nhà thôi'', chị Lữ Thị Biên Thùy, người dân thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cho biết.
Còn tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, trận lũ quét xảy ra trong đêm đã khiến cho nhiều ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Trong hai ngày qua, mưa lũ đã làm sập 15 ngôi nhà, 1 người tử vong cùng nhiều tài sản bị cuốn trôi.
Ngay sau khi nước rút, các lực lượng đã hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời khẩn trương đưa máy móc nạo vét bùn đất, đảm bảo giao thông đi lại, tuy nhiên công tác này gặp nhiều khó khăn bởi lượng bùn đất quá lớn.
Hiện mưa lũ vẫn chưa có dấu hiệu dừng, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã thành lập các đoàn công tác hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và sơ tán khẩn cấp các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao của lũ ống và sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn hơn.
Sơ tán người dân đến nơi an toàn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại
Kiểm tra và thị sát tình hình thiệt hại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu chính quyền và lực lượng vũ trang huyện Kỳ Sơn tiếp tục trực tiếp chỉ đạo địa phương sơ tán người dân đến nơi an toàn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại mưa lũ gây ra, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các đơn vị đảm bảo nhanh nhất thông tuyến giao thông; tập trung lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ, tổ chức thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê cho biết, “hiện nay, địa phương đang cần cung cấp hàng hóa, vật tư thiết yếu và các nhu yếu phẩm cần thiết khác giúp địa phương, người dân sớm vượt qua thiên tai; hỗ trợ sửa chữa, xây mới các công trình, bố trí kinh phí khắc phục hệ thống giao thông bị hư hỏng bởi tàn phá của lũ ống, lũ quét, chỉ đạo các ngành liên quan tập trung lực lượng thông tuyến đường Quốc lộ 7 đoạn qua xã Tà Cạ, xã Nậm Cắn”.
Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An Dương Minh Hiền nhìn nhận, “tình hình mưa lũ tại Kỳ Sơn nói chung, đặc biệt ở thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ đang rất phức tạp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung huy động các lực lượng tham gia ứng cứu khắc phục hậu quả mưa lũ. Trước mắt, chúng tôi sẽ điều động 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764 cùng Ban Chỉ huy Quân sự huyện và các lực lượng khác ngày mai cơ động lên huyện Kỳ Sơn giúp chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống”.
Ngày 2.10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An ra công văn gửi Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do hoàn lưu bão số 4 gây ra.
Cụ thể, Chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện số 25/CĐ-UBND ngày 30.9.2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai với phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu. Đồng thời, nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi…trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để tránh thiệt hại đáng tiếc về người.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An.