Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Nguyễn Xuân Thảo cho biết, xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của 14 xã ven đê tả Cầu thời điểm này là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, dồn toàn lực cử người canh gác, thường xuyên kiểm tra toàn bộ tuyến đê phụ trách cả ngày lẫn đêm, khi có dấu hiệu bất thường (sạt trượt, mạch đùn, mạch sủi, nước tràn đê...). Chủ động rà soát, kịp thời chỉ đạo trong sáng 12.9, dốc toàn lực lượng công an, quân đội cùng bà con nhân dân đắp đê ngăn tràn ở các điểm suy yếu.
"Chúng tôi quán triệt không để bất cứ một phương tiện giao thông không có nhiệm vụ đi vào khu vực đê xung yếu", ông Thảo nói.
Phó Chủ tịch phụ trách xã Hợp Thịnh Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện tại xã có 2 thôn Đa Hội và Đồng Đạo bị cô lập hoàn toàn do nước lũ. Một phần thôn Ninh Tào bị cô lập. Có một trường hợp bị nước cuốn tối 10.9, đến trưa 12.9, thi thể của nạn nhân đã được lực lượng chức năng tìm thấy và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Việc tiếp nhận ủng hộ được tập kết tại UBND xã Hợp Thịnh, sau đó sẽ có xe chuyên dụng vận chuyển đến bờ đê để đưa xuống thuyền cứu trợ, được ghi vào sổ sách và đưa đến tay người dân.
Lực lượng Công an huyện Hiệp Hòa đã ứng trực 24/24 tại các điểm đê xung yếu và các điểm cứu trợ. Phó trưởng Công an huyện Hiệp Hòa Ngô Văn Quân thông tin, ngoài tiếp tế nhu yếu phẩm, chúng tôi còn vận động người dân di dời vào nơi tránh trú an toàn đã được cơ quan chức năng sắp xếp.
Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Hiệp Hòa cho rằng, việc tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống cũng rất bề bộn. Người dân ủng hộ có thể trao đổi thông tin với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Hiệp Hòa để tránh tình trạng lãng phí.
Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn, mực nước sông Cầu dâng cao, tràn qua đê bối, đã làm ảnh hưởng đến một số xã ven sông thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt khu vực thôn Đa Hội và Đồng Đạo thuộc xã Hợp Thịnh có nhiều ngôi nhà ngập sâu trong nước. Nhiều người dân thôn Đa Hội cho biết, cơn lũ này còn vượt qua đỉnh lũ năm 1971 rất nhiều.