Lợi ích thiết thực từ xây dựng nông thôn mới
Là một trong hai đơn vị đầu tiên của TP. Hà Nội vinh dự được đón “Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, Thành ủy quyết định chỉ đạo huyện tập trung xây dựng và thực hiện Đề án đầu tư xây dựng Đông Anh trở thành quận. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Đông Anh đã hợp nhất Bộ tiêu chí huyện thành quận và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với các chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Việc hợp nhất Bộ tiêu chí cấp huyện, xã được thực hiện theo nguyên tắc: lấy chỉ tiêu, nhiệm vụ cao nhất ở các bộ tiêu chí để thực hiện và chỉ đạo xây dựng, ban hành 15 đề án thành phần xây dựng huyện thành quận.
Từ những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm thực tiễn về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, nhằm phấn đấu xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng huyện thành quận trong năm 2023, tôi cho rằng quá trình triển khai thực hiện Chương trình phải xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể, thiết thực, có tiến độ, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Bên cạnh đó, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực của xã hội; thường xuyên giao ban, kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong cả giai đoạn, từng năm. Phân công trách nhiệm thực hiện từ cấp ủy Đảng, chính quyền tới các ban, ngành, đoàn thể; tuyên truyền, vận động quần chúng hưởng ứng tham gia.
Cùng với đó, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Chủ động tìm hiểu những nguy cơ, thách thức trong việc triển khai thực hiện Chương trình để đặt ra định hướng, mục tiêu giải quyết, huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư trên địa bàn. Mặt khác, cần phát huy tính chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, các giải pháp thực hiện mục tiêu; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân trong thực hiện chương trình.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường
Sau khi hợp nhất Bộ tiêu chí cấp huyện và xã, huyện Đông Anh đã chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và từng năm. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng, cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống giao thông nông thôn và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế… Việc tích hợp Bộ tiêu chí vừa giúp huyện tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm được kinh phí đầu tư.
Đơn cử tại xã Kim Chung, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao, bình quân thu nhập đạt 75 triệu đồng/người/năm. Theo Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhuế Đỗ Trung Ngự: xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân được hưởng rất nhiều thành quả, điện - đường - trường - trạm khang trang. “Trước kia, trong các khu dân cư còn để bậc thềm lấn chiếm lòng đường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, chúng tôi vận động người dân xóa bỏ. Ngoài ra, tất cả ngõ, xóm đều có điện thắp sáng, các thôn đều có công viên mini để người dân thư giãn, thể dục. Giờ đây, nông thôn trên địa bàn đã mang dáng dấp của đô thị", ông Đỗ Trung Ngự chia sẻ thêm.
Tương tự tại thôn Đoài, xã Nam Hồng, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới mà gia đình cũng như người dân trong thôn, xã được hưởng rất nhiều lợi ích thiết thực từ cơ sở hạ tầng của đường làng, ngõ xóm sạch đẹp đến thành quả trong sản xuất nông nghiệp, du lịch... Theo bà Nguyễn Thu Phương, người dân sống tại thôn Đoài: thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con trong thôn đã tích cực góp công, góp sức và đồng hành với chính quyền địa phương triển khai từ những ngày đầu, vì biết rằng mục đích cuối cùng của nông thôn mới là để nâng cao đời sống cho chính những người dân trong xã.
Đến nay, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, xã Nam Hồng đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang trong tiến trình trở thành phường; đời sống của người dân trong xã tiếp tục được nâng lên, phát triển theo hướng văn minh đô thị nhưng vẫn giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất cách mạng.
Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Dương chia sẻ: xã luôn xác định chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân ở nông thôn; do đó, quá trình triển khai thực hiện, xã đã chọn những giải pháp mang lại hiệu quả cao và phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiêu chí giao thông đòi hỏi không chỉ có hệ thống đường liên xã, đường trục thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, mà còn phải có hệ thống báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn. Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 100% số thôn phải có nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi… Đến nay, huyện Đông Anh đã hoàn thành 31/31 chỉ tiêu huyện thành quận và 10/13 tiêu chí xã, thị trấn thành phường, đủ điều kiện được công nhận thành quận, thành phường.
Đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã đạt và cơ bản đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; có 20 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, huyện đã đạt yêu cầu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình số 04 của Thành ủy đề ra.
Hoàn thành 31/31 chỉ tiêu xây dựng thành quận
Để đạt được kết quả nêu trên, công tác triển khai quán triệt, thông tin tuyên truyền được tập trung đẩy mạnh, quán triệt sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị tại các hội nghị cán bộ chủ chốt; qua hệ thống truyền thanh, buổi sinh hoạt chi bộ, chi đoàn… nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Cường, Đông Anh là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, với nhiều dự án lớn mang tầm quốc gia đã và đang được triển khai, mang đến cho huyện nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Đầu năm 2022, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 250-NQ/HU về việc thực hiện “5 có, 3 không” tại các thôn, làng, tổ dân phố. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo của huyện, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Đến nay, huyện đã có quy hoạch chi tiết các điểm dân cư phát triển đô thị theo tỷ lệ 1/500; hoàn thành 15/15 phân khu đô thị, với 85% diện tích toàn huyện được lập quy hoạch. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chú trọng xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất đạt chuẩn, quy chế quản lý, hoạt động bảo đảm hiệu quả đối với nhà văn hóa của 195 thôn, làng, tổ dân phố và 12/24 xã đã có trung tâm văn hóa thể thao. 100% đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, các trục đường chính đã được trải nhựa; hệ thống giao thông từng bước được đầu tư mới theo quy hoạch; hệ thống chiếu sáng được phủ kín các thôn làng, tổ dân phố, và hàng trăm kè tách nước thải sinh hoạt được đầu tư.
Có thể khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy, huyện Đông Anh đã cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Đến nay, huyện cơ bản hoàn thành 31/31 chỉ tiêu theo Nghị quyết 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng thành quận. Đến hết năm 2023, huyện phấn đấu có 20/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
___________
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội